Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Truyện Thiếu nhi 2014 (1)

Những chiếc lá dầu khô
Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

Buổi chiều những ngày sau Tết âm lịch trời bắt đầu nóng từ khoảng giữa trưa. Thời tiết miền Nam là thế, khác hẳn với miền Bắc lại đang trong thời kỳ rét lạnh. May mà Thu học buổi sáng, chiều được nghỉ ở nhà.
Nhà Thu nằm trên con đường lớn nhất nhì thành phố. Đường có hai chiều cách biệt nhau bởi một tiểu đảo có trồng cây thấp như cau kiểng, bông giấy... Lề đường cả hai phía thì đều được trồng chung một loại cây lưu niên là cây dầu. Ba Thu giải thích: “Cây dầu và cây sao có dáng tương tự nhau. Chúng đều có thân cao trên chục mét, thẳng đứng, gỗ được dùng làm đồ gia dụng. Trái của chúng đều có “cánh”, khi rụng từ trên cao thì xoay vòng vòng “bay” xuống đất. Nhưng lá của cây dầu thì lớn hơn bàn tay, còn lá cây sao thì nhỏ. Cây trồng nơi vỉa hè đường nhà mình là cây dầu vì lá nó lớn”.
Thu rất khoái lời giải thích cặn kẽ của ba, đã nhiều lần nó kể lại với bạn bè ở Nhà thiếu nhi và được các bạn rất “nể”.
Trưa nay nóng quá. Thu chỉ ngủ trưa được mươi phút là thức dậy, đi tắm cho đã! Xong, nó mở cửa trước ra ngồi nơi bậc thềm vừa hóng gió vừa ngắm đường phố một lúc trước khi quay vào nhà để giải mấy bài toán cô cho về nhà làm.
Một cơn gió thổi qua. Một, hai, ba... rồi nhiều chiếc lá dầu khô từ trên cây rụng xuống. Lá chạm vào mặt bê tông vỉa hè rồi tiếp tục bị gió thổi lăn một đoạn ngắn, kêu loạt soạt. Lá rụng nhiều quá, Thu nhẩm đếm, dễ chừng hơn hai chục chiếc.
Khi cơn gió qua đi thì bên vỉa hè nhà hàng xóm xuất hiện cô Ngọc với cái chổi trên tay. Nhà cô Ngọc là cửa hàng tạp hóa có bán thêm kem và yaourt. Thỉnh thoảng Thu cũng qua mua món này, món nọ. Cô Ngọc nhìn hàng chục chiếc lá dầu khô nằm trêu ngươi trên vỉa hè nhà mình, mặt nhăn nhó bực bội. Cây dầu được trồng nơi tiếp giáp giữa nhà kế cận nhà Thu - về phía trái và nhà trước đó. Còn nhà cô Ngọc ở sát bên phải nhà Thu. Như vậy cây dầu “thủ phạm” đã “bỏ rác” xuống cả nhà Thu và nhà cô Ngọc.

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Truyện ngắn 2014 (4)

Gặp nhau đất khách
Truyện ngắn của Khôi Vũ

Thật ngạc nhiên khi chúng tôi nhận ra nhau cùng lúc.
- Mày hả Lan! Sao vẫn gầy thế?
- Còn mày thì tao thấy mệnh phụ lắm, Huyền à!
Vậy là sau hai mươi năm, chúng tôi lại gặp nhau. Không phải trong công việc, không phải ở Việt Nam... Mà là ở sảnh ra sân bay quốc tế Narita của Nhật!
Khi nhận được lời mời của hãng thuốc H qua Nhật tham quan nhà máy sản xuất thuốc của họ, tôi chỉ biết là có hai đoàn, một ở phía Nam bay từ Tân Sơn Nhất và một ở phía Bắc bay từ Nội Bài. Hai chuyến bay khác nhau nhưng sẽ đến Nhật không chênh lệch thời gian nhiều lắm. Đoàn phía Bắc đến trước, vẻ rất mong ngóng chúng tôi.
Ông giám đốc hãng thuốc Nhật ở Việt Nam ngạc nhiên hỏi chúng tôi rằng có phải hai người đã quen nhau từ trước không? Huyền ôm lấy cổ tôi đáp:
- Chúng tôi là đôi vợ chồng kẻ bắc người nam xa nhau lâu ngày nay mới được đoàn tụ!
Anh Ph. dịch và ông giám đốc người Nhật cười ha hả vẻ thú vị lắm!
Hai đoàn nhập một và chúng tôi có hai tiếng để làm thủ tục bay đi Fukuoka, qua làm việc ở tỉnh Saga kế bên một ngày rồi mới bay trở lại Tokyo tham quan.
Tôi và Huyền check in hai ghế ngồi cạnh nhau. Chúng tôi có biết bao chuyện để chia sẻ với nhau...

***

Cô hướng dẫn viên người Nhật xuất hiện, thoạt đầu nói tiếng Anh. Hai đoàn chúng tôi nhập lại nên có đến hai người phiên dịch từ tiếng Nhật qua tiếng Việt. Nhưng dịch từ tiếng Anh qua Việt thì chỉ có anh Ph. của đoàn Nam mà không được thạo lắm. Cuối cùng mọi người thống nhất với nhau là cô hướng dẫn sẽ nói tiếng Nhật.
Tôi và Huyền chọn hai ghế ngồi cạnh nhau. Đầu tiên là chuyện gia đình của hai đứa. Tôi kể chuyện chồng mình mất sớm nhưng vẫn nuôi cậu con trai ăn học đến nơi đến chốn và cháu vừa thi đậu vào đại học bách khoa. Huyền nheo mắt ngắt lời tôi: "Thế mày có người mới nào chưa?" – "Không! Tao vẫn sống một mình" – "Sao ngu thế? Nếu không đi bước nữa thì cũng phải tìm một thằng đàn ông để bồ bịch cho vui chứ! Hỏi thật nhé! Thế mày không có những lúc thèm bọn hắn à?".

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Truyện ngắn 2014 (3)

HỘI HÈ HỈ NỘ!
Đây là truyện, một thể loại hư cấu. 
Mọi sự trùng hợp ngẫu nhiên là ngoài ý muốn của tác giả

Đi tìm con mắt xanh

Bút danh của ông là Mộc Thán, dùng cho cả thời viết báo và bây giờ là viết văn. Nó ra đời rất... hoàn cảnh. Số là ông gia nhập làng báo do đang làm việc ở phòng hành chính của ngành văn hóa thì bên báo thiếu người đã gợi ý nhận ông qua. Ông rất vui vì mình sẽ thành nhà báo. Có điều, qua bên báo rồi, ông mới biết người ta nhắm cho ông một nhiệm vụ ở phòng trị sự, nghĩa là chẳng phải để ông được cầm bút! Ông lập tức phản ứng. Cuối cùng bên báo đành nhượng bộ, phân công ông đi viết về nông nghiệp. Thật lòng, ông muốn làm mảng kinh tế hơn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình đã yêu sách một lần rồi, không lẽ lại đòi hỏi thêm lần nữa, vì vậy ông đành chấp nhận, bụng bảo dạ sau một thời gian sẽ xin qua bên kinh tế. Thật không ngờ, thời gian trôi qua vùn vụt cho tới khi ông về hưu mà ông vẫn không rời được mảng nông nghiệp.
Trở lại chuyện cái bút danh. Ở bản tin đầu tiên trình lên trưởng ban, ông ký là Mộc Thánh Thán với ý tưởng rằng ông sẽ là một Kim Thánh Thán của thời nay. Đổi Kim thành Mộc vì tên thật của ông là Mộc. Anh trưởng ban nhìn ông cười tủm tỉm, anh ta lấy bút gạch chữ Thánh đi rồi nói: “Thế này cho nó khiêm tốn, anh bạn ạ!” (Hồi đó hai người ngang tuổi nhau). Ông im lặng bởi không muốn vì sự phản ứng của mình mà khiến cho bài báo đầu tiên phải gặp khó khăn. Từ đó, dưới các tin bài của ông, bạn đọc đều thấy ghi là Mộc Thán!

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Ký 2014 (1)

Đất nước Phù Tang:
Bốn ngày đêm ngắn ngủi

Chuyến bay JL 750 của hãng hàng không Nhật Bản cất cánh lúc 23:40 ngày thứ hai 23/9/2013 tại sân bay Tân Sơn Nhất đã đưa tôi đến với nước Nhật.
20:30 ngày 27/.9, chuyến bay JL759 đáp xuống Tân Sơn Nhất, trả tôi về Việt Nam.
Như vậy, tôi đã có đúng 4 ngày đêm vừa di chuyển, vừa thăm nước Nhật. Chuyến đi tuy bất ngờ và ngắn ngủi, dẫu sao cũng vẫn là một chuyến đi xa đến xứ sở của hoa anh đào mà tôi không biết trong đời mình có lập lại lần thứ hai?
Hành trình chuyến đi của tôi có thể tóm gọn như sau: Từ VN bay đến Tokyo, sau đó chuyến chuyến bay đến tỉnh Fukuoka. Từ Fukuoka di chuyển bằng xe đến thành phố Tosu của tỉnh Saga kế bên để thăm bảo tàng và nhà máy sản xuất của Công ty Hisamitsu (sản xuất miếng dán Salonpas) là đơn vị mời khách. Tham quan ở đây rồi trở lại Fukuoka, tham quan ở Fukuoka. Bay trở lại Tokyo tham quan rồi trở về Việt Nam.

 Xin giới thiệu 2 chương đầu: 
1. Sân bay Nhật 
2. Đền Dazaifu và 6000 cây hoa báo xuân

SÂN BAY NHẬT

Chuyến đi giúp tôi biết được 3 sân bay của Nhật: sân bay quốc tế Narita, sân bay nội địa Haneda ở thủ đô Tokyo và sân bay tỉnh Fukuoka. Vé máy bay mà đơn vị chủ nhà mua cho tôi ghi tổng số tiền cho hai chuyến bay đi về VN – Nhật cùng 2 chuyến bay nội địa Tokyo – Fukuoka ở Nhật là 600USD, cộng thêm các khoản phí, thuế là 831.30USD.
Khởi hành từ Tân Sơn Nhất lúc gần nửa đêm (giờ VN) ngày 23/9, chuyến bay JL 750 đưa tôi đến sân bay Narita lúc 7:35 (giờ Nhật Bản = giờ VN + 2) ngày 24/9. Tính ra thời gian bay là khoảng 6 tiếng.
Máy bay có đến hàng ghế thứ 60. Ở khoang khách thông thường được thiết kế mỗi hàng 7 ghế: ở giữa 3 ghế, hai bên mỗi bên 2 ghế. Vì khoang thương gia thiết kế số ghế mỗi hàng ít hơn nên tôi ước đoán có khoảng 400 khách cho chuyến bay.
Khi máy bay lên đến độ cao và bay ổn định, hầu hết khách đều chuẩn bị tìm giấc ngủ. Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng đèn vẫn sáng và khoảng nửa giờ sau, khi mọi người đang chập chờn thức ngủ thì các nữ tiếp viên đẩy xe mời nước khách. Ít phút sau đó nữa, hầu hết đèn trong khoang máy bay mới tắt, chỉ để vài ngọn lấy ánh sáng mờ. Mọi người yên tâm ngủ.

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Truyện ngắn 2014 (2)

Bạn cũ
Truyện ngắn của KHÔI VŨ

Tôi ngỡ ngàng khi thấy chiếc xe du lịch đậu trước nhà mình. Cửa kính phải nơi băng trước hạ xuống và cái đầu trọc của Phú từ phía sau tay lái nhoài ra cùng câu nói giọng đồng của anh: "Mời quý khách lên xe". Tôi chưa kịp ngồi yên chỗ, Phú đã quay qua hỏi: "Sao? Thấy xe của tao tạm được chớ?". Tôi trả lời như một phản xạ: "Tuyệt vời! Bao nhiêu thế?". Phú cho xe chạy, đánh đèn hiệu phía trái, ném lại câu đáp: "Trên năm chục một chút". Tôi hiểu là Phú nói đơn vị tiền là đô la Mỹ. Gần một tỉ bạc Việt Nam. Tôi biết Phú giàu lên từ mấy năm nay nhưng không ngờ anh lại sắm được chiếc xe với số tiền lớn như thế. Tôi buột miệng: "Mày làm ăn giỏi quá!". Tôi liếc thấy Phú nhếch mép khi anh vẫn nhìn thẳng về phía trước: "Ăn thua gì! Khối thằng giỏi gấp trăm nghìn lần tao!". Ngưng một chút, anh nói tiếp: "Mày muốn ăn ở nhà hàng nào. Nói! Tao chiều!" - "Tùy mày" - "Thế thì đi chỗ này. Tao sẽ gọi thêm một thằng nữa đen, nó đang làm việc gần đây!".
Chúng tôi đến nhà hàng Ó, một địa chỉ nổi tiếng ở thành phố này mà tôi chưa từng có dịp vào. Chọn một phòng VIP có bày hoa trên bàn ăn, máy lạnh vừa mát vừa êm như ru, thêm tiếng nhạc hòa tấu vẳng nhẹ từ chiếc loa nhỏ trên một góc phòng... Phú khoát tay với cô bé phục vụ khi cô hỏi "Các chú uống gì ạ?" để gọi điện cho "thằng nữa". Nghe anh nói chuyện, tôi biết là khách đã nhận lời và sẽ có mặt trong dăm mười phút nữa.
- Tất nhiên phải là "Ken" - Giọng đồng của Phú cất lên - Có loại lon cao không? Biết mà, không có. Thế thì "Ken" lon. Loại mới nhất có không? Có! Tốt! Ướp lạnh. Tất nhiên! Nước đá bây giờ sản xuất không bảo đảm, uống vào dễ bị bệnh đường ruột lắm. Có rắn chứ? Phải rồi, rắn hổ! Lấy huyết pha rượu, một xị thôi. Uống "Ken" rồi còn gì!

Truyện ngắn 2014 (1)

Như một giấc mơ xấu
Truyện của Khôi Vũ
(In Văn Nghệ TP HCM số 296, ngày 10/4/2014)

Khi Điển khép cửa ra về, còn lại một mình, Thơ mới cảm thấy mình có được những giây phút bình yên đầu tiên. Căn phòng sơn màu tím nhạt, rèm buông che cửa sổ cũng màu tím làm cho chiếc bàn, cái tủ quần áo và tấm dra trải giường màu ánh trăng nổi bật lên. Ở một góc phòng, cô thấy có cái tủ lạnh nhỏ sơn màu trắng, phía trên một bức tường gắn máy điều hòa, cả hai cùng nhả ra tiếng máy nhè nhẹ, đều đều như để ru ngủ. Lần đầu tiên trong đời, Thơ được ở trong một căn phòng khách sạn như thế này. Với cô, đây là sự hưởng thụ văn minh, hiện đại, sang trọng đầu đời. Nhưng, như lời Điển nói, trưa mai anh sẽ quay lại để trả phòng và cô phải về lại phòng trọ của mình, sau hai ngày “về quê dự đám cưới em trai ruột” – lý do mà cô nêu ra để xin Công ty cho nghỉ đột xuất.
Một buổi chiều thật khủng khiếp đã đến với cô. May mà nó đã qua đi như một cơn ác mộng. Đó là nói về cái việc diễn ra ở nhà của bà bác sĩ có thân hình vạm vỡ như của một người đàn ông làm rừng quê Thơ. Bà còn có cặp mắt nhìn người khác như muốn soi thấu tận tâm can, tận cả nỗi sợ hãi vừa xuất hiện trong đầu cô khi cô ngần ngại bước vào căn phòng phía trong, sát phòng khám bệnh. Khi ấy, Điển phải ở lại bên ngoài. Trong căn phòng sực mùi ête không khác gì ở bệnh viện, một cô y tá cũng lực lưỡng như bà bác sĩ đã đợi sẵn. Họ, hai người phụ nữ ấy, trong một khoảng thời gian không lâu lắm, đã “đục khoét” thân thể Thơ để lấy ra cái mà cả cô và Điển cùng sợ nó lớn lên rồi có mặt trong cõi đời này. Sự đau đớn của thể xác có lúc khiến Thơ tưởng như mình sẽ phải chết đi ngay sau đó vài giây. Chỉ đến khi nghe cô y tá lực điền nói: “Xong rồi đó!”, Thơ mới chắc chắn là mình còn sống.