Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Ký 2014 (3)

Đất nước Phù Tang: 
Bốn ngày đêm ngắn ngủi (Tiếp theo)

PHỐ XÁ & KHU MUA SẮM


THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH VÀ THỦ ĐÔ

Đi trên đường ở thành phố Tosu, tỉnh Saga, tôi bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà thấp tầng, hầu như mái nhà đều lợp ngói màu nâu đen, vách sơn màu vàng hoặc trắng. Có khá nhiều mái nhà được gắn pin mặt trời để lấy điện tiêu dùng. Một ngôi nhà nọ phía bên hông có gara trên cao với một chiếc xe hơi đậu trên đó!
Trên đường phố nơi đây xe cộ lưu thông không nhiều, chủ yếu là xe hơi các loại, rất ít gặp xe gắn máy, thỉnh thoảng mới thấy các cụ già hoặc trẻ em đi xe đạp. Giao thông áp dụng theo kiểu Liên hiệp Anh: xe chạy phía trái, tài xế ngồi ghế phải sau tay lái. Mà xe cộ chạy thong thả, chẳng thấy vẻ vội vã nào! Cô hướng dẫn viên nói: “Vì đây chỉ là một tỉnh nhỏ”.
***

Đến Tokyo, trên đường từ sân bay vào trung tâm, phố xá hiện ra với nhiều khác biệt. Hai bên đường có nhiều tòa cao ốc. Xe cộ cũng chạy nhiều hơn trên đường. Con số 13 triệu dân, 10% dân số Nhật tại thủ đô dễ hình dung đến sự chen chúc, chật chội, vội vã... Có một lúc xe chở chúng tôi chạy chậm hẳn. Ông giám đốc chủ nhà giải thích: “Hôm nay là ngày 25, là ngày lãnh lương của chúng tôi. Vì vậy xe cộ đi lại đông hơn mọi ngày vì mọi người đi lại để lãnh lương hoặc mua sắm”.

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

KÝ 2014 (2):

Đất nước Phù Tang: Bốn ngày đêm ngắn ngủi (Tiếp theo)
Ký sự này đã được đăng tải 2 chương trên khoivudongnai/sáng tác, nay xin giới thiệu 2 chương tiếp theo:


M THỰC & NGHỈ NGƠI

BẢY BỮA ĂN TRƯA VÀ CHIỀU TỐI
     
Tôi được ăn bữa đầu tiên trên đất Nhật vào buổi trưa tại một nhà hàng ở tỉnh Saga, đối diện với bảo tàng của hãng thuốc Hisamitsu. Nhà hàng này nằm trong một khu vườn có nhiều cây cối, có hồ nước (và đá), các chòi tiếp khách rải rác trong vườn, kế bên có một hồ thiên nhiên rộng. Đường đi lát đá, phong cảnh hữu tình, cổ kính... Đặc biệt ở đây có cây hoa anh đào trăm tuổi mà du khách thường đứng dưới gốc chụp ảnh kỷ niệm. Đoàn chúng tôi cũng không ngoại lệ. Tiếc là thời điểm này không phải là mùa hoa anh đào!
Trong nhà hàng, chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế có chiều cao bình thường quanh ba bàn ăn lại có chân chỉ cao khoảng sáu tấc nên nó trở nên hơi thấp so với tầm tay. Những người phục vụ dọn dần các món ăn đã được gọi. Có vẻ như đây chưa phải là bữa ăn hoàn toàn kiểu Nhật. Đầu tiên là món thịt nguội ăn với rau sống muối chua; ăn xong, uống nước canh đựng trong tách (mà hầu như ai trong chúng tôi cũng tưởng là nước trà). Món thứ nhì là thịt bò nướng. Thịt được cắt sẵn từng lát vừa ăn, đặt sẵn trên vỉ đã được làm nóng chứ không phải là kiểu đặt vỉ lên lò như món bò né ở ta. Mỗi người có một vỉ thịt bò riêng, tự trở mặt các miếng thịt trên vỉ cho tới độ chín mình ưng ý để ăn với một số rau cũng đặt sẵn trên vỉ như: cà tím (1 miếng), bí đỏ (1 miếng), khoai lang chiên (2 miếng)... Có lẽ nhà hàng đã tính toán làm nóng vỉ sao cho độ nóng được giữ vừa đến lúc khách ăn xong món này! Cuối cùng, mỗi người nhận được một chén cơm trắng để ăn no bụng. Món tráng miệng là một món kem được làm từ sữa tươi.
Trong lúc ăn, chúng tôi nghe tiếng đàn piano vang lên nhưng không thấy người đàn, một lát sau thì xuất hiện một nhạc công violon trình diễn vài bài.
Ngoài ba bàn ăn của đoàn chúng tôi về một phía, ở hai bàn phía bên kia có hai nhóm khác, mỗi nhóm vài ba người. Họ ngồi ăn im lặng, không thấy nói chuyện với nhau. Trong lúc đó ở phía chúng tôi thì có chút ồn ào khi mọi người nâng những ly bia Asahi và cùng hô “Một – Hai – Ba – Yô...!”. Ông giám đốc người Nhật cho biết ở các nhà hàng Nhật người ta ăn uống trong sự yên tĩnh, tuy nhiên nhà hàng và các thực khách địa phương đều thông cảm “thói quen” của người Việt, với điều kiện đừng gây ồn ào nhiều lần quá trong một bữa ăn... 
***

Bữa ăn thứ nhì trên đất Nhật của tôi là bữa ăn chiều tối cùng ngày tại một nhà hàng ở thành phố Fukuoka.

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Truyện ngắn 2014 (5)

CHAY  Ở CHAI!
Truyện ngắn của Khôi Vũ

Cuối cùng thì option tour của Đara cũng thành công với mười lăm khách đăng ký. Mỗi người nộp 20 đô Mỹ cho một vé. Đara dặn là số tiền đó đã bao gồm tất cả nên không nhất thiết phải “bo”. Tuy nhiên, nếu “bo” thì chỉ cần 1 đến 2 đô Mỹ thôi, dùng tiền địa phương thì là 5 hay 10 Riên.
Người đăng ký thứ mười lăm là chị Nhâng. Lẽ ra còn người thứ mười sáu nhưng anh Toản, chồng chị Nhâng kêu mệt vì bị hạ đường huyết. “Ừa! Mệt thì ông ở lại khách sạn mà nghỉ. Mát xa xong, tui còn đi chợ đêm, chắc phải mười giờ tối mới về”. Người vợ nói với chồng.
Đara nói thêm với anh Toản: “Nếu muốn ăn đêm, anh ra cổng khách sạn rẽ trái, đi chừng chục bước là có quán phở Việt”.
Đứng lẫn trong số người không tham gia tour tự chọn, anh Toản gật gật gù gù, vẫy tay chào những người ngồi trên xe, chúc mọi người đi chơi vui vẻ. Chiếc xe màu đỏ mang biển số Campuchia chạy từ Việt Nam qua đánh một vòng quanh sân khách sạn rồi ra đường, nhập vào dòng xe đang nối đuôi nhau dưới ánh đèn đường bảy giờ tối...
***

Thâm tâm chị Nhâng rất muốn đi mát xa một lần cho biết ngay khi anh hướng dẫn viên bắt đầu quảng cáo lúc xe vừa khởi hành đi tham quan buổi sáng. Nhưng chị ngại. Đầu tiên chị hỏi chồng: “Nè ông xã, đi mát xa cho khỏe người không?”. Anh Toản ừ hử: “Hai chục đô, tiếc lắm...”, “Mình đi du lịch, thích gì thì cứ xài. Tiếc tiền như ông thì ở nhà cho rồi...”. Chị Nhâng cảm thấy khó chịu vì cái tính keo kiệt vốn dĩ của chồng bộc lộ không đúng lúc. Có lẽ nhận ra tình cảm của vợ, anh Toản nhỏ giọng: “Thiệt ra tui thấy trong người hơi mệt. Hôm qua đi coi tháp phải đi bộ nhiều quá, tôi thấy choáng váng. Chắc lại bị hạ đường huyết như mọi khi...”. Bởi vậy tận tới khi trên đường đi ăn trưa, Đara thông báo ai đi mát xa thì đăng ký để anh kịp đặt chỗ, và danh sách đã tới người thứ mười bốn, chị Nhâng mới rụt rè giơ tay. Cứ theo lời của Đara thì phải đăng ký sớm mới có hy vọng có chỗ vì “mấy ngày này họ đông khách đoàn lắm”.
Cũng theo lời quảng cáo của Đara thì nơi này là “mát xa chai”. Giọng tiếng Việt của anh nghe lơ lớ, còn chị Nhâng thì chị hiểu là anh nói “mát xa chay”, nghĩa tương tự như “mát xa sạch” người mình thường nói. Mà chồng chị cũng hiểu như thế. Vì anh nói: “Đi tập thể thì yên tâm rồi. Chay là cái chắc!”.