Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Truyện thiếu nhi 2014 (2)

Ba thước kẻ đòn
 Nguyễn Thái Hải

 Hùng rất mê xem phim cổ trang dã sử Hàn quốc, Trung quốc... Nhưng nó chỉ xem khi đã học bài, làm bài xong xuôi. Má nó nhận xét: “Coi bộ mày thuộc sử nước Hàn, nước Tàu dữ...”. Ba nó bênh vực: “Biết nhiều thì tốt chớ sao!”.
Nhưng Hùng cũng thích cả lịch sử Việt Nam. Cứ trên truyền hình có phim nào dính dáng tới Việt sử, Hùng cũng tìm cách coi cho được. Không coi trên truyền hình thì nó vô mạng internet tìm coi phim trên trang web nào đó. Dĩ nhiên cũng vào thời gian nó đã học bài, làm bài xong xuôi.
Mà đâu phải chỉ lịch sử, Hùng còn giỏi cả địa lý. Trong phòng nó có một quả địa cầu lớn mà nó nhắm mắt cũng hình dung ra được quốc gia nào ở vị trí nào, đại dương nào bao quanh những nước nào... Nó theo dõi chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” không sót buổi nào và tự hào khoe là nó đã trả lời đúng hầu hết các câu hỏi liên quan đến địa lý dù nó mới học lớp 8!
Thực ra Hùng cũng chẳng có nhiều thì giờ để xem phim. Nó còn phải học. Các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh, Anh văn... đều được nó “đầu tư” thời gian và kết quả là nó đều đạt điểm giỏi. Chỉ trừ môn Văn!
Sao thế?


Hùng tâm sự với bạn bè: “Tao viết câu như tao nói. Vậy là cô cho điểm thấp. Chán chết! Sao không được viết ra y như mình nói?”
Hùng phân bua với mẹ: “Con đã viết gần như bài mẫu cô cho chép, vậy mà vẫn bị điểm thấp. Cô bảo bài mẫu chỉ để dựa vào đó mà làm. Thế thì cần gì bài mẫu cơ chứ!”
Hùng thú nhận với cô dạy Văn: “Em chẳng thấy môn Văn hấp dẫn tí nào nên em không thể...”
Hùng trả lời câu hỏi của ba: “Tại sao con lại học giỏi các môn khác?”, rằng: “Tại vì con thích các câu chuyện lịch sử, thích khám phá các nơi trên thế giới, thích khám phá thiên nhiên và con người, thích cảm giác chiến thắng khi giải ra một bài toán...”.
Ba gật gù, trầm ngâm rồi nói một mình: “Thì ra vì nó thích. Cũng có nghĩa là nó không tìm được gì để thích ở môn Văn”.
Cả người lớn và Hùng đề “bế tắc” không biết làm sao cho Hùng “thích” học Văn.
Nhưng vừa xảy ra một chuyện.
Cô dạy Văn cho bài về nhà làm. Hùng mải xem phim cổ trang Hàn quóc nên quên làm bài. Sáng hôm sau chuẩn bị đi học mới nhớ thì không còn đủ thời gian làm bài. Vì vậy khi đến lớp, nó bị cô gọi lên bảng vì là đứa duy nhất không làm bài.
Cô hỏi vì sao. Hùng nói thật:
- Thưa cô, vì em mải xem phim nên đã quên.
- Em xem phim suốt à?
- Dạ không! Em chỉ xem phim sau khi học xong. Nhưng hôm qua thì vì phim hấp dẫn quá nên em đã... “phạm luật”... Em xin nhận lỗi và sẵn sàng nhận hình phạt từ cô...
Đúng là Hùng nói thật lòng. Nhưng cô lại nghĩ khác. Cô cho là nó ngang nhiên thách thức cô nên giọng cô run run:
- Em... em dám nói với... với cô như thế à?
Hùng phải xòe bàn tay ra để nhận ba thước kẻ đòn của cô. Cô lầy cây thước kẻ bằng nhựa mỏng, bản rộng đến ba phân đánh lên bàn tay của Hùng. Thước kẻ loại này đánh vào tay thì chẳng nhằm nhò gì. Hùng không thấy đau. Mà bất cứ đứa học trò nào cũng sẽ chẳng thấy đau. Rõ là cô chỉ thực hiện phạt cho có hình thức.
Một thước đầu tiên. Rồi thước thứ hai. Hùng chờ thước thứ ba nhưng cô đã dừng tay. Hùng nhìn cô. Thật bất ngờ, cô xòe bàn tay trái của mình ra, rồi tay phải của cô cầm cây thước kẻ, đánh mạnh vào bàn tay của mình.
Hùng hốt hoảng chụp lấy cả hai tay của cô:
- Cô ơi! Sao cô lại làm thế?
Bên dưới lớp, các bạn của Hùng cũng xôn xao.
Giọng cô vẫn đầy xúc động:
- Cô phạt mình vì cô cũng... cô lỗi không biết phài làm sao để em thích học môn Văn.
Hùng là đứa con trai cứng rắn. Nó không khóc, chảy nước mắt cũng không. Nó nói:
- Em xin lỗi cô!
- Thôi, em về chỗ đi! – Cô bảo Hùng.
***

Buổi tối hôm ấy Hùng lấy giấy bút ra “viết thư” gửi cô dạy Văn. Nó viết là nó nợ cô cái thước kẻ đòn thứ ba. Nó sẽ cố “thích” môn Văn bằng cách dành nhiều thì giờ hơn để học môn này theo sự hướng dẫn của cô. Nó tin rằng nếu không “thích thật lòng” thì nó cũng sẽ vượt lên loại khá.
Sáng hôm sau không có tiết Văn nên Hùng phải đợi đến giờ ra chơi mới lên phòng giáo viên trao thư cho cô. Cô hỏi, nó ấp úng: “Dạ, em xin lỗi cô...”.
***

Cho đến hết năm học lớp 8 Hùng vẫn chưa “thích thật” môn Văn. Nhưng đúng như nó đã dự đoán, trong số những bài làm môn Văn, đã có lần nó được điểm 8! Còn lại thì cũng điểm 6, điểm 7...
Lên lớp 9, Hùng không còn học cô dạy Văn lớp 8 nữa. Nó không biết nó có sẽ “thích thật” mốn Văn hay không, nhưng mỗi lần gặp cô lớp 8, nó vẫn khoanh tay chào và nói “Em vẫn nợ cô một thước kẻ đòn”. Cô chỉ mỉm cười.
Thầy dạy Văn lớp 9 khá thân mật, gần gũi với học trò, đặc biệt thầy cũng thích xem phim lịch sử Việt Nam nên Hùng có dịp “làm quen” và tâm sự. Một lần, nó kể cho thầy nghe câu chuyện “nợ thước kẻ đòn thứ ba” của mình. Thầy nghe xong, gật gù: “Hay quá! Đây chính là một câu chuyện rất Văn!”.
Hùng không hiểu hết ý nghĩ của mấy chữ “câu chuyện rất Văn”. Nó hỏi thì thầy nói:
- Khi nào em “thích thật” việc học môn Văn thì tự khắc em sẽ hiểu!


14/4/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét