Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

SÁNG TÁC CỦA BẠN VĂN (6): HỒ KIÊN GIANG


HỒ KIÊN GIANG

Trên núi Tưk-cot




Cơm chiều xong, Hiếu dặn anh em nghỉ ngơi dưỡng sức để mai làm việc, rồi anh cuộn tròn cái võng cặp nách, xách bọc cá khô với chai nước mắm Phú Quốc men theo đường mòn dưới chân núi Tưk-cot tới nhà ông Chanh Đa.

Nói nhà cho sang chứ thật ra chỉ là một cái chòi dựa vào chân núi, mái và vách được che chắn tạm bợ bằng lá thốt nốt, nằm trên một phiến đá rộng chừng mười mét vuông, trước cửa vài cây thốt nốt cao lêu nghêu. Ông Chanh Đa gần bảy mươi tuổi, dáng ốm nhom, lòng khòng, da đen thui, mốc sì. Mái tóc xoăn nhiều năm không được cắt tỉa, chải chuốt rối bù như mớ bòng bong, càng làm gương mặt hốc hác của ông nhỏ lại, khắc khổ. Duy chỉ có đôi mắt, nhìn đâu là đứng yên đó, không chớp, như thể muốn ăn tươi nuốt sống đối phương. Hồi mới gặp ông lần đầu ở chùa Tưk-hau, Hiếu đã rợn tóc gáy vì cái nhìn trắng dã của ông, nhưng sau khi nghe vị sư cả nói: “Ông ta không hại ai đâu. Ông ấy sống một mình, ít tiếp xúc với mọi người nên mới vậy!”, Hiếu cảm thấy thương xót ông!

Ông Chanh Đa nằm tòn ten trên võng đan bằng dây chuối mắc vào hai cây thốt nốt. Ông mặc quần bà ba đen, cởi trần. Trên cổ đeo chiếc nanh gì đó bằng ngón tay út, trắng hếu, chắc để làm bùa chú trừ tà ma. Chiếc khăn rằn quấn hờ hững trên đầu, một đoạn khăn lọt qua kẽ võng cứ phất phơ theo từng nhịp đưa. Hiếu gật đầu chào ông. Ông nhìn Hiếu, bờ môi dày, thâm đen khẽ động đậy:

- Chú mới qua? - ông nói tiếng Khơ-me nhưng lại không xưng hô bằng cách của người bản xứ mà theo kiểu của người Việt.


Hiếu nhìn vào nhà. Ngoài cái sạp tre vầu có vài chỗ bị gãy nằm sát vách thì không còn gì nữa. Anh loay hoay để bọc cá khô cạnh cột nhà xiêu vẹo, nói tiếng Khơ-me và cũng xưng hô kiểu người Việt:
- Con gởi bác ít cá khô…
- Cá khô hả? - ông bật dậy, mắt sáng lên, xua tay - Đừng, đừng để đó. Hãy để trên giường kia kìa.

Ông bước xuống võng, chộp lấy cái bọc để lên sạp tre:
- Để trên đá nó lạnh, nướng không chín đâu.

Hiếu mỉm cười trước nhận định ngộ nghĩnh đó. Đột nhiên, ông chuyển sang nói tiếng Việt:
- Chèn ơi! Có nước mắm Phú Quốc nữa à? Lâu lắm rồi tui chưa được nếm nó. À, chú nướng khô đi, nhà còn ít nước thốt nốt ủ men, tui với chú uống chơi.

Hiếu có thể uống rượu đế Xuân Thạnh được nửa lít nhưng nước thốt nốt thì anh không thể cầm cự nổi. Lần trước qua đây, anh đã uống nó, người cứ lừng khừng, tưng tưng tới mấy ngày. Cũng vì mấy đồng chí biên phòng nước bạn hô hào: Uống đi. Uống nhiều đi. Không được ngại đâu. Thứ này tốt lắm. Cay chua ngọt mát say say/ Uống vào nhớ mãi những ngày Khơ-me. Giờ trước thái độ chân tình của ông Chanh Đa, và cũng vì nhiệm vụ, anh không muốn từ chối.

Khi đã ngà ngà say, ông Chanh Đa hỏi:
- Chú có biết tại sao núi này tên Tưk-cot không?
- Dạ, hình như là nước lạnh?
- Ừ. Chú có lên núi chưa?
- Tháng trước con có lên đó khảo sát.
- Chú có gặp người đàn bà trên núi không?

Hiếu gật đầu. Ông Chanh Đa cười giòn nhưng mắt ngấn nước:
- Người thương của tui đó!
Hiếu giật mình.

Núi Tưk-cot nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao ngất bao quanh. Xung quanh rất nhiều cổ thụ rậm rịt, dây leo chằng chịt. Con đường mòn gần như mất dạng, từng đám ma dương gai góc vươn cành chặn lối đi. Hiếu cùng hai chiến sĩ trong phân đội theo chân cán bộ phum và các chiến sĩ biên phòng nước bạn vừa đi vừa chặt cây, phát cỏ mở đường lên núi. Theo nguồn tin và xác nhận của sư cả chùa Tưk-hau, núi Tưk-cot trước kia là khu vực đóng quân của bệnh viện K52, làm nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị thương bệnh binh quân tình nguyện Việt Nam từ Sư đoàn 1 và Đoàn 200 chuyển tới. Hiếu đã tìm kiếm liên lạc với những người từng công tác ở K52 thì được biết: Tính đến cuối năm 1971 đã có ba mươi hai cán bộ, chiến sĩ “ra đi”. Và các y, bác sĩ đã “gởi” họ nằm lại đây. Đến đầu năm 1973, bị địch phát hiện nên bệnh viện dời đi nơi khác. Như vậy, trong khoảng thời gian đó, con số ba mươi hai kia có tăng lên không? Nếu có là bao nhiêu giữa bạt ngàn cây cỏ này?

Mọi người khom lưng cúi đầu chui vào một cái hang hẹp, dài chừng ba mét, trơn trợt và ẩm ướt. Từng đàn dơi đu mình trong các hốc đá đánh hơi người bay loạn xạ. Mùi cứt dơi đặc quẹo xộc vô mũi, tràn vô miệng nhờn nhợn muốn ói. Vừa ra khỏi hang, Hiếu như lạc vào một xứ sở khác. Trước mắt anh là ngọn núi hình tháp được bao bọc bằng những đỉnh núi cao chót vót. Từng mảng sương sớm la đà trên các tầng cây xanh ngắt. Dưới chân núi có một cái hồ lớn hình bầu dục, nước trong veo. Phía bên kia hồ có một ngôi nhà lá nhỏ, cạnh đó là một thửa ruộng cũng nhỏ, lúa đang thời kỳ chín rộ, vàng óng. Và những ngọn gió lành lạnh cứ thổi liu riu. Kỳ thiệt! Ngoài kia nóng hầm hập, bức bối, chỉ cách một vách núi khí hậu trở nên mát mẻ. Hiếu cúi xuống hồ giơ hai tay hất nước lên mặt. Lạnh như nước đá. Quay sang hai chiến sĩ, anh dặn:

“Không được uống nghe. Coi chừng đau bụng đó”.

Men theo bờ hồ, Hiếu đi đến ngôi nhà. Trong nhà không có người. Một chiếc ba lô bạc màu nằm trên phản, hình như làm gối kê đầu. Vài bộ quần áo cũ mèm treo trên vách cho biết chủ nhân là phụ nữ. Mấy cái soong nồi quân dụng nằm ở góc nhà. Kế đó, cái bếp được kê bằng mấy cục đá, tàn than vẫn còn cháy âm ỉ, khói lan tỏa trong nhà. Anh kêu lớn nhưng không ai trả lời ngoài giọng của chính anh văng vào vách đá dội ngược lại oang oang.

Mọi người đi vòng ra sau núi Tưk-cot. Một thảm cỏ xanh rì rộng mênh mông giữa rừng cây thốt nốt sai trái vây quanh bốn phía. Xa kia, người đàn bà lưng hơi còng, dáng người nhỏ thó trong chiếc áo cổ vòng màu vàng chanh, vận xà-rông kẻ sọc, tay cầm bó nhang đang cháy, bước chậm rãi cắm nhang xuống từng vuông đất. Mọi người tiến về phía đó. Người đàn bà ngẩng lên, giật mình lùi bước. Anh cán bộ phum khoác tay, giải thích bằng tiếng Khơ-me:

“Đừng sợ. Mấy chú bộ đội Việt Nam qua tìm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện đã hy sinh hồi chiến tranh, không hại ai đâu. Có thể hỏi thăm bà vài chuyện được không?”.

Vén những sợi tóc bạc lòa xòa trên má, bà nhìn Hiếu từ đầu xuống chân rồi mỉm cười, xổ một tràng tiếng Việt:

“Bộ đội mình hả? Sao bây giờ mới qua? Tui ở đây đợi lâu lắm rồi đó. Nè, anh Tuấn có đi chung hôn? Tuấn nào hả? Thì anh Tuấn “Đê Ka” bị thương nằm viện ở đây nè. Lúc xuất viện ảnh nói chừng nào hết chiến tranh ảnh trở lại. Vậy mà, mấy chục năm rồi, không biết ảnh…”.

Đột nhiên, bà ngồi xuống, ôm mặt khóc rưng rức. Hiếu thật sự không hiểu gì cả. Anh bước tới đỡ bà đứng dậy:
“Cô vô đây ngồi nghỉ, rồi từ từ kể cho tụi con nghe chuyện anh Tuấn gì đó, nghen!”.

Anh dìu bà ngồi lên một phiến đá. Bà kéo đuôi khăn rằn quấn trên đầu lau nước mắt, nói chậm rãi:
“Gia đình tui sống ở Phnôm Pênh, làm nghề buôn bán. Bốn mươi năm trước, khi loạn đảo chính xảy ra, tui đi dạy học về, nghe mọi người nói chúng cho lính tới nhà bắt ba mẹ và hai đứa em trai tui đi đâu không biết. Tui không dám về nhà mà theo đoàn người chạy trốn. Đi mấy ngày mấy đêm mệt mỏi, đói khát, có người không chịu được đành nằm lại dọc đường, mặc kệ số phận may rủi. Khi đến sóc Trua-peng-răng của tỉnh Kam-pôt, tui gặp bộ đội Việt Nam và được các anh đùm bọc, chở che. Các anh dạy tui nói tiếng Việt, cho tui học y tá, sau đó đưa tui về bệnh viện này”.

“Sao lúc bệnh viện chuyển đi, cô không theo?” - Hiếu hỏi.
Bà chỉ lên những vuông đất phủ đầy cỏ xanh:
“Rất nhiều người đã nằm lại đây. Tui sợ, không có ai nhang khói, anh em lạnh lắm”.
“Ở đây có bao nhiêu mộ liệt sĩ hả cô?”.
“Bốn mươi chín - chợt nhớ điều gì, bà tiếp - Nhưng chỉ có bốn mươi tám mộ thôi. Một lần, địch bỏ bom hất tung hai ngôi mộ, tui đã gom lại thành một. Một mộ hai người!”.
“Cô ở đây một mình hả? Bao lâu rồi?”.

Bà gật đầu:
“Cậu có thấy hàng cây thốt nốt đó không? Từ lúc nó bằng tui, giờ nó cao gần bằng đỉnh núi Tưk-cot rồi”.
“Ba má, các em cô có biết cô ở đây không?”.
“Năm bảy chín, Cam-pu-chia giải phóng, tui có về Phnôm Pênh nhưng nghe người ta nói, ba má với em tui bị Pôn-pốt… giết chết rồi! - giọng bà tắc nghẹn - Tui quyết định trở lại đây, cũng là đợi chờ tin tức của anh Tuấn. Thật ra, ảnh không phải tên Tuấn, đó là tên do bộ đội Việt Nam đặt cho dễ kêu. Ảnh tên Thạch Xi Chanh Đa Ra, còn tui là Thị Mết. Tui với ảnh dạy cùng trường, cùng chạy trốn và gặp bộ đội Việt Nam. Khi tui học y tá thì ảnh ở trung đội DKZ thuộc tiểu đoàn bộ. Trong một trận đánh bên Tưk-săng, ảnh bị thương ở chân đưa về đây điều trị. Thời gian nằm viện, tui với ảnh cảm mến nhau. Bữa ảnh xuất viện về đơn vị tiếp tục chiến đấu còn hứa chừng nào hết chiến tranh, ảnh sẽ quay lại đây đón tui. Từ đó tới giờ, tui không có tin tức gì của ảnh. Gặp mấy cậu, tui tưởng ảnh dẫn mấy cậu tới đây!”.

Bà Mết lại ôm mặt khóc. Tiếng nấc của bà lọt thỏm, nhỏ nhoi giữa đồi núi u tịch nghe xót xa, quặn lòng. Hiếu định nói suy nghĩ của mình nhưng anh sợ sẽ làm bà đau buồn hơn khi mất niềm hy vọng, dù mong manh như sương buổi sáng đã tan biến trên tầng cây kia. Anh biết rằng, trong ngần ấy thời gian chờ đợi, bà trồng lúa lấy gạo, trồng chuối, măng tre đổi lấy thức ăn đạm bạc. Hôm nào câu được con cá dưới hồ là được bữa cơm tươm tất. Bà ít tiếp xúc với mọi người trừ những lúc phải đi chợ mua mắm muối. Cuộc sống của bà đơn giản, chủ yếu là rau mọc ven sườn núi, phần lớn số tiền làm được bà để dành mua nhang. Những lúc túng thiếu ngặt nghèo, bà xuống xin nhang của chùa Tưk-hau. Mỗi ngày hai lượt sáng chiều, bà đi thắp nhang trên từng ngôi mộ, thầm thì to nhỏ như đang hỏi thăm bệnh nhân. Có điều lạ, trong câu chuyện, bà không hề nhắc đến “người yêu” Chanh Đa!

- Bác nói cô Mết là người yêu của bác, sao con không nghe cô ấy nói? - Hiếu vừa cột dây võng vào hai cây thốt nốt vừa hỏi.
- Bà ấy hận tui - ông Chanh Đa thở dài. Tiếng thở nghe rõ hơn cả tiếng võng kẽo kẹt - Là lỗi của tui. Tui với bà ấy thương nhau không biết để đâu cho hết. Tại tui không nghe lời bà ấy mà đi theo chân Pôn-pốt. Này, tui theo chúng nhưng chưa lần nào giết người đâu nghe. Tui chỉ lái xe thôi. Bà ấy nói tui lái xe cho chỉ huy đi tàn sát cũng như dẫn đường, chỉ chỗ có người cho tụi nó giết. Nhiều lúc tui cũng muốn bỏ trốn nhưng sợ tụi nó biết được sẽ không tha. Rất nhiều thằng bị chết kiểu đó rồi nên tui không dám. Một lần, tui bị quân giải phóng bắt làm tù binh, họ không giết tui. Vậy mà bà ấy cũng không tha thứ cho tui. Tui rất đau khổ. Tui đã tìm kiếm bà ấy khắp nơi, qua cả Việt Nam mấy năm trời dò hỏi tin tức. Hai mươi năm trước, tui gặp sư cả chùa Tưk-hau nên mới biết bà ấy ở đây.

- Rồi bác về ở đây luôn?
- Ừ.
- Bác có gặp cô không?
- Có. Nhưng bà ấy thù dai quá. Nhiều lần tui kêu bà ấy xuống đây ở bà ấy không chịu. Tui đòi lên trên núi bà ấy cũng không luôn. Biết tới chừng nào bà ấy mới tha thứ cho tui đây?!

Trăng giữa tháng lên tới đỉnh cây thốt nốt. Sương đêm lành lạnh. Hiếu nhìn lên trời cao vằng vặc, những cành lá thốt nốt lắc lay nhè nhẹ. Anh nghĩ trời xa vậy mà giỡn giỏi thiệt. Hồi chiến tranh loạn lạc thì mạnh ai nấy chạy để tìm đường sống, đâu biết sau này ra sao mà lần. Lúc đất nước thanh bình rồi thì cố mà quên, càng nhớ sẽ càng đau khổ thêm chớ có được ích gì đâu? Đó, ông Chanh Đa và cô Thị Mết đã có một thời yêu nhau, chưa xóa được thù hận giờ một người một chỗ, sống lay lắc như ngọn đèn leo lét không biết bao giờ tắt ngúm. Người ta nói, đau khổ rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình thương là ở lại. Thôi thì về hủ hỉ với nhau, giúp đỡ nhau mỗi khi trái gió trở trời. Chẳng lẽ cứ ôm khư khư mối hận cho tới chết đem đi theo luôn hay sao?
*
*    *
Hiếu đứng tần ngần trước nhà nhưng không thấy bà Mết đâu. Trong nhà lờ mờ không bóng người, bếp núc lạnh tanh. Cái mùng một nóc bằng vải xô xanh ngả màu nhợt nhạt vẫn còn giăng đó. Anh nghĩ, chắc bà đang ở ngoài mộ đốt nhang như thường lệ. Anh quay người định ra khu mộ sau núi bỗng giật mình. Bà Mết đứng sau lưng anh tự lúc nào. Vẫn dáng người nhỏ nhắn, gương mặt điềm đạm, nhân hậu, những sợi tóc trắng như cước bay bay trong gió sớm. Cạnh bà, một thằng nhỏ chừng mười tuổi, da trắng tươi, những sợi tóc li ti như tơ đen óng. Nó giương đôi mắt tròn xoe như hột nhãn nhìn anh thao láo. Anh thở phào. Bà Mết cười móm mém:

- Cậu mới qua à? Đi một mình sao?
- Dạ, con đi trước báo cho cô hay. Còn anh em đi sau.
Bà gật đầu.
- Ừ, cán bộ phum có nói với tui rồi. Lần này lấy luôn hả?
- Dạ, tụi con xin phép đưa các anh các chị về quê.
Bà thở dài, giọng run run:
- Đi hết rồi… không biết tui… ở đây với ai?
- Còn đứa nhỏ này?

Hiếu đưa tay xoa đầu thằng bé. Nó sợ hãi lùi về sau, kéo vạt áo bà Mết giấu khuôn mặt, chỉ chừa đôi mắt nhấp nháy nhìn Hiếu dò xét. Bà vỗ vỗ vào lưng nó, nhẹ nhàng:

- Con đừng sợ. Cậu ấy là đồng đội với cha mẹ con mà - quay sang Hiếu, bà tiếp - Chúng tôi coi cái đầu mình là để thờ Phật và ông bà, cha mẹ, tổ tiên, cậu đừng xoa đầu nó.

Hiếu giật mình. Điều này anh biết, vì trước khi qua đây làm nhiệm vụ anh đã được học tiếng Khơ-me, tìm hiểu về phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân đất nước Chùa Tháp, nhưng nhìn thằng nhỏ yêu quá, lại không có nét gì giống người bản địa. Anh chắp hai tay trước ngực cúi đầu. Bà Mết xua tay, cười:
- Không sao. Không biết thì không chấp mà - bà cúi xuống nắm vai thằng nhỏ - Con chạy đi chơi chút nghen!

Hiếu nhìn theo dáng thằng nhỏ tung tăng trên sườn núi. Lát sau nó đã lẫn vào hốc cây bụi cỏ nào đó, không còn nhìn thấy nữa. Chỉ có điều cái chỗ thằng bé vừa biến mất hình như có làn khói trắng bay lên? Hiếu quay sang hỏi bà Mết:
- Sao cô không tha thứ cho ông Chanh Đa?

Câu nói vô tình của Hiếu làm mắt bà mở trừng trừng. Rồi bà nói trong giận dữ:
- Cậu đừng nhắc tới thằng phản bội đó. Nó không có con tim.
- Chuyện qua lâu rồi, cô đừng buồn nữa. Người ta nói, mấy chuyện không vui trong quá khứ nếu bỏ được thì bỏ đi.

- Làm sao bỏ được chớ? - bà ngước đôi mắt rươm rướm nhìn Hiếu chằm chằm - Nếu không có quá khứ, không có anh Tuấn thì tui đã chết lâu rồi, đâu thiết sống mần chi! - bà giơ cánh tay khẳng khiu quẹt nước mắt, giọng khẳng khái - Nói thiệt, nhiều lúc tui không muốn cho mấy cậu lấy đi nhưng tui không có quyền hạn gì giữ anh em lại. Sống với nhau mấy chục năm đâu nỡ xa nhau. Lại nghĩ, anh em còn có gia đình, có quê hương nữa, để anh em về thì tốt hơn.

- Hay là cô…
- Không đời nào! Dù có chết tui cũng ở đây. Thôi, cậu đi đi.
- Đi đâu?
- Thì đưa anh em về! Nè, cậu còn nhớ ngoài kia có mấy người không?
- Dạ, bốn mươi chín.
- Không phải, năm mươi - bà đứng dậy, nói lớn - Năm mươi… Cậu nhớ chưa? Năm mươi… ươi…
Giọng bà như mũi tên bắn vào vách núi, dội ra âm âm, u u giống như có người đang bắt chước bà vậy.
*
*     *
Hiếu dặn chiến sĩ vác cho bà Thị Mết hai mươi ký gạo, bọc cá khô, ít thuốc cảm sốt phòng khi bà đổ bệnh đột ngột, lấy mấy bó nhang bỏ vô giỏ, thêm vài trái xoài, mãng cầu, đu đủ… rồi cùng anh em trong phân đội vác cuốc, leng, lần theo con đường mòn lên núi Tưk-cot. Sáng nay trời cao trong, không gian có phần thoáng đãng hơn. Khi chui qua cái hang ba mét còn ẩm ướt, trơn trợt, Hiếu cảm giác giống như buổi hừng đông bên dòng châu thổ Cửu Long quê Hiếu, giữa những vườn trái cây xanh mát. Anh hít một hơi thật sâu, thấy tinh thần khoan khoái và dễ chịu, xua tan sự mệt mỏi bởi giấc ngủ không tròn trịa đêm qua.

Mặt hồ hình bầu dục phẳng lặng. Sương bảng lảng tan dần trên những tầng cây ven sườn núi. Ngôi nhà bà Mết vẫn nép mình dưới chân Tưk-cot hình tháp chĩa lên trời. Mọi người đi vòng qua hồ. Đến ngôi nhà bà Mết, Hiếu khựng lại. Một cảm giác rờn rợn ập đến bủa vây khi anh thấy quang cảnh giống y chang trong giấc ngủ chập chờn hồi tối. Hiếu đã qua đây nhiều đợt để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, gặp không ít trường hợp và chứng kiến nhiều tình cảnh trớ trêu, thậm chí hoang đường nhưng lần này thì khác. Anh thật sự không thể cắt nghĩa hay lý giải được điềm mộng báo trùng khớp với hiện tại. Giấc mơ hôm qua của anh có những hình ảnh rất kỳ lạ về bà Mết và đứa trẻ. Nhưng anh không muốn để giấc mơ đó ám ảnh. Hôm nay anh sẽ đến gặp bà Mết để mong rằng giấc mơ của anh chỉ là mơ thôi, không phải điềm báo gì cả. Anh bước vào nhà. Những tia nắng xuyên qua mái lá lỗ chỗ tạo thành đốm sáng nhiều hình thù nhưng vẫn không xua đi cái lạnh lẽo từ nền đá thấm qua giày, chạy ngược lên đỉnh đầu. Anh thở hắt, đưa tay vén mùng. Bà Mết nằm dài trên phản, gương mặt như tượng tạc, mắt nhắm nghiền, miệng hơi cười. Những sợi tóc trắng phau lòa xòa trên má. Hai tay bà ôm chiếc ba lô trên bụng. Anh nhìn kỹ bà rồi bước ra ngoài nói với mọi người, giọng nghèn nghẹn:
- Cô Mết… đi rồi!

Vậy là những thứ anh đem theo định tặng bà giờ thì bà không thể dùng được rồi. Hy vọng ở một nơi xa xôi nào đó, bà hiểu được tấm lòng của các anh, và nhất là sẽ gặp lại anh Tuấn của bà.
Hiếu mở chiếc ba lô bạc màu, rách lỗ chỗ của bà Mết. Bên trong, ngoài bộ quân phục cũ xếp gọn gàng còn một cuốn sổ bằng bàn tay, bìa cứng, giấy úa vàng. Những dòng chữ nắn nót ngay trang đầu đập vào mắt anh:

“1- Hạ sĩ Trần Văn Chiến, d8 e3 f1. Hy sinh 28-11-1970, 22 tuổi. Thủng tim. 2- Binh nhất Nguyễn Văn Hùng, d2 e1. Nhập viện 25-11-1970. Lủng ruột. Mất ngày 29-11-1970, 19 tuổi. 3-…”.
Hiếu run run lật nhanh đến trang cuối:

“… 49- Thiếu úy Võ Trung Dũng, e1. Hy sinh 8-1-1973, 24 tuổi. Bể hộp sọ. 50- Thị Mết, y tá bệnh viện K52. Mất ngày… tuổi... Theo anh em về Việt Nam!”.

Trời đất! Chẳng lẽ tâm nguyện của bà đây sao?
Chính bà đã điền tên mình vào cuốn sổ này. Con số 50!
Từ xa, ông Chanh Đa đi như chạy, bỏ lại sau lưng vị sư cả chùa Tưk-hau bước chậm chạp qua những phiến đá. Ông Đa xô mọi người dạt ra, ào tới ôm chầm thi thể bà Mết, nước mắt ròng ròng:
- Bà Mết ơi… Sao bà bỏ tui?

Giọng ông nghẹn lại. Hai vai ông rung lên.
Hiếu đưa cuốn sổ tay cho vị sư cả. Sư lướt qua một lượt rồi dừng lại ở số 50, hỏi:

- Nghĩa là bà ấy muốn các chú đưa về Việt Nam?
- Bà không muốn xa đồng đội! - Hiếu nén xúc động.
- Không được đâu. Tui phải đưa bà vô chùa hỏa táng rồi để luôn tro cốt trong đó. “Sống gởi xác, thác gởi xương” mà. Chúng tui phải hỏa táng để thanh tẩy linh hồn cho bà Mết và ngôi chùa là nơi trú ngụ linh hồn của bà. Với lại, bà ấy còn phải chăm sóc con nữa chứ.

- Con? - mắt Hiếu mở căng tròn vo, miệng lắp bắp - Có phải… thằng bé…?
- Sao chú biết? - vị sư cả ngạc nhiên. Đoạn, ông đưa hai tay lên ngực, hướng về phía mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh núi, giọng thư thả - Đứa bé không phải con ruột bà ấy. Nó là con của một người đồng đội, làm y tá cùng bệnh viện. Trong một lần đi tải thương, mẹ nó hy sinh, lúc nó hai tuổi. Cha nó hay tin định gởi nó về quê, nhưng phải đợi đánh xong trận đột kích bên Tưk-sut. Không may, cha nó cũng chết trong trận ấy. Bà Mết đã nhận nuôi nó, coi nó như con ruột. Thằng bé rất ngoan và dễ thương. Lúc nhỏ nó thường xuống chùa Tưk-hau học chữ.

- Bây giờ nó đâu?
- Chết rồi! Lúc nó mười tuổi. Nó bị sốt rét, nhà chùa không có thuốc trị. Chúng tui đã hỏa táng và để nó ở chùa. Bây giờ bà ấy phải ở lại để tiếp tục chăm sóc nó. Nó còn nhỏ lắm. Nếu nó sống thì bây giờ cũng bằng tuổi chú.

Hiếu đã khóc lúc nào không biết. Giọng anh run run:
- Tôi cũng biết điều này, nhưng…
- Không cần ngại chi hết. Tui sẽ tụng kinh niệm Phật cầu siêu cho bà ấy.
Anh cán bộ phum gật đầu, nói nhỏ vào tai Hiếu:
- Sư cả là người lớn nhất ở đây. Mọi việc cứ để sư tính toán, giải quyết.

Các chiến sĩ khiêng tấm phản có bà Mết đang nằm ra khỏi nhà, theo chân vị sư cả vòng qua hồ. Ông Chanh Đa đi bên cạnh cầm cái nón che nắng cho bà Mết. Hiếu đứng lặng nhìn theo. Đoạn, anh kêu một chiến sĩ trải tấm cao su ra, xúc một nhúm đất đổ vào, rồi lấy bộ quân phục trong ba lô của bà Mết xếp lên đó, gói ghém cẩn thận như bộ hài cốt. Anh nắn nót viết lên đó dòng chữ:

“Hài cốt số 50 - Bà Thị Mết. Quê quán: Phnôm Pênh. Ngày mất: 28-10-2012, tại núi Tưk-cot. Hưởng thọ 65 tuổi”.


Mặt trời đã lên cao, nắng rọi thẳng xuống đỉnh đầu nhưng không có vẻ nóng nực hay ngột ngạt. Gió thổi từng chặp trên tán cây thốt nốt. Những tàu lá cọ quẹt vào nhau lao xao, rì rào như khúc ca hân hoan chào đón.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét