Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Vấn đề văn học (12): NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ VĂN HỌC NĂM 2014 (TIẾP THEO)

NHỮNG NHẬN ĐỊNH KHÁC NHAU VỀ 
VĂN HỌC VIỆT NAM NĂM 2014
Kỳ 2

PHONG ĐIỆP

Văn học 2014
- một năm sôi động


Năm 2014 được ghi nhận là một năm sôi động của văn học Việt Nam. Nhiều hoạt động hợp tác giao lưu văn học trong và ngoài nước đã diễn ra sôi  nổi. Nhiều cuộc thi văn học đã diễn ra trong năm: Cuộc vận động sáng tác đề tài kháng chiến và cách mạng đã thu hút hơn 100 tác phẩm tham gia; cuộc thi tiểu thuyết đề tài kháng chiến cách mạng được nhiều nhà văn quan tâm; cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ quân đội hứa hẹn nhiều bất ngờ; cuộc thi văn học tuổi 20 lần thứ tư đã thu hút được nhiều tác giả trẻ tiềm năng; cuộc thi văn học công nhân góp phần khuấy động  một đề tài văn học lâu nay có phần chìm lắng trong đời sống văn chương;… Cũng trong năm 2014, Trung tâm dịch thuật của Hội nhà văn chính thức ra mắt, đánh dấu một bước quan trọng trong việc quảng bá văn học Việt Nam nói riêng, quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung ra thế giới.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin điểm một số vấn đề tiêu biểu của đời sống văn học trong năm 2014.

Tiểu thuyết – tiếng nói của thời đại

Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 của Hội nhà văn Việt nam đang là một trong những tâm điểm được chú ý của đời sống văn học năm 2014. Cuộc thi mở rộng mọi đề tài, và đặc biệt chú ý tới những tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng và sự nghiệp đổi mới của đất nước.  Đến ngày 31-10, Ban tổ chức đã nhận được 170 tác phẩm dự thi của 143 tác giả. “Điểm danh” những tác phẩm dự thi, có thể nhận thấy sự xuất hiện của nhiều nhà văn “gạo cội” như: Nguyễn Bảo với Đỉnh máu; Phạm Quang Đẩu với  Đánh đu cùng số phận;  Ma Trường Nguyên với Phượng hoàng núi;   Bùi Bình Thi với Odessa một cuộc tình ;  Nguyễn Quang Hà với Đất thánh; Lại Văn Long với Người khổng lồ đội mồ kể chuyện;  Kiều Vượng với Bão không có gió; Hồ Sĩ Hậu với Dòng sông mang lửa ; Nguyễn Bắc Sơn với Gã tép riu Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những tác giả trẻ cũng hứa hẹn sẽ tạo ra “làn sóng mới” cuộc thi lần này; đó là: Nguyễn Danh Lam với Cuộc đời ngoài cửa ; Đặng Thiều Quang với Săn cá thần; Uông Triều với Sương mù tháng giêng; Trần Đức Tĩnh với Đối cực;  Nguyễn Đình Tú với Hoang Tâm, Xác phàm; Nguyễn Văn Học với Khi vết thương nằm xuống, Hỗn danh; Đoàn Bảo Châu với Tầm xuân …


Dù tác giả lớn tuổi hay tác giả trẻ, thì điểm chung dễ nhìn thấy trong các tác phẩm gửi về dự thi lần này, đó là sự đau đáu, trăn trở với số phận con người; thái độ sống đầy trách nhiệm của họ trước thời cuộc. Đặc biệt đề tài chiến tranh cách mạng không chỉ là mối quan tâm của riêng các nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc; một số tác giả trẻ đã dũng cảm dấn bước vào mảng đề tài khó khăn  này, và cũng đã được độc giả đón nhận.

Phong phú về đề tài, đa dạng về phong cách văn chương; cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 đã gặt hái được một mùa vụ sum suê về số lượng. Rất nhiều những tác phẩm gửi dự thi đã được xuất bản và nhận được những phản hồi tích cực từ bạn đọc, điều ấy khiến chúng ta có thể tin tưởng vào chất lượng cuộc thi lần này.

Không phải vô cớ mà các cuộc thi tiểu thuyết nói chung đều nhận được nhiều sự quan tâm của giới sáng tác và phê bình văn học; bởi lẽ tiểu thuyết được đánh giá là thể loại đo nội lực của một nền văn học; là “cỗ máy cái” của nền văn học. Mặt khác, “tiểu  thuyết về nhiều phương diện đã và đang báo trước sự phát triển tương lai của toàn bộ nền văn học”   (M. Bakhtin:  Lý luận và thi pháp tiểu thuyết).
Với con số 170 tiểu thuyết tham dự cuộc thi lần này, rõ ràng, tiểu thuyết vẫn đang tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình trong đời sống văn học nước nhà.

Thơ trẻ được mùa nhờ mạng xã hội.

Độc giả yêu văn học hẳn vẫn chưa quên “hiện tượng xuất bản” thơ Nguyễn Phong trong năm  2013 : tập thơ Đi qua thương nhớ của anh đã được phát hành với con số “khủng” 35.000 bản.Tập thơ thứ 2 của Nguyễn Phong Việt là Từ yêu đến thương ngay trong đợt ra mắt đầu tiên đã được phát hành 20 ngàn bản .
Hiện tượng này thắp nên niềm hi vọng cho nhiều tác giả trẻ đang lặng lẽ làm thơ và chỉ biết chia sẻ trên  mạng xã hội. Vì trong quan niệm lâu nay của nhiều người, kể cả những nhà thơ đã thành danh thì thị trường xuất bản không có chỗ cho thơ, thơ in ra chỉ để tặng chứ không phải để bán. Nhưng tại sao, các tập thơ của Nguyễn Phong Việt có thể phát hành với con số đáng mơ ước như vậy? Câu trả lời chính là sức mạnh của mạng xã hội. Những bài thơ của Nguyễn Phong Việt đăng tải trên facebook, đã lập tức nhận được nhiều sự chia sẻ và ủng hộ của bạn đọc. Chính sự động viên, cổ vũ của cộng đồng mạng, Nguyễn Phong Việt quyết định in thơ, nhưng chuẩn bị sẵn tâm thế : nếu thơ không bán được thì tác giả sẵn sàng bỏ tiền ra mua toàn bộ và tặng lại cho độc giả. Anh không thể ngờ rằng, tập thơ khi phát hành lại được đón nhận nồng nhiệt như vậy.
Một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ thừa nhận: "Nhờ mạng xã hội mà tôi tìm được các cây bút trẻ tiềm năng. Chính nút like và comment đã có tác dụng đo lường mức độ tiếp nhận của công chúng, hứa hẹn cho nhà phát hành lượng bạn đọc tiềm năng mà khỏi phải cất công nghiên cứu thị trường hay chào hàng”.

Những khó khăn tưởng chừng như không thể tháo gỡ trong việc đưa thơ ra với công chúng giờ đã đã hé lộ những hướng đi mới cho các tác giả trẻ. Chính vì thế, năm 2014, công chúng được chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều tác giả trẻ. Trong danh mục sách văn học bán chạy đã có sự hiện diện của các tập thơ, tiêu biểu như: Sinh ra để cô đơn của Nguyễn Phong Việt (phát hành 10.000 bản cho lần ra mắt đầu tiên); Rẽ lối nào cũng gặp nhớ thương của Việt Anh (phát hành 4000 bản cho lần ra mắt đầu tiên); Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người  của Lương Đình Khoa, Im lặng mà buông tay của Vũ Quỳnh Hương,  Giữa bao người xa lạ, sao anh lại chọn em  của September Rain, Đừng gọi anh là người yêu cũ của Du Phong…Hầu hết tác giả của các tập thơ này đều khai thác ưu thế của facebook trong việc quảng bá, tuyền thông cho tác phẩm khi còn trong giai đoạn “trứng nước”; và ngay lần phát hành đầu tiên những tập thơ này phần lớn được in với con số 2000 bản, trong khi nhiều tác phẩm văn xuôi (như truyện ngắn, tiểu thuyết) các đơn vị xuất bản cũng thường chỉ chọn mức in an toàn là 1500 bản.  Một số tập thơ xuất bản năm 2013 cũng được tái bản trong năm 2014, tiêu biểu có thể kể đến tập thơ Có một phố vừa đi qua phố của Đinh Vũ Hoàng Nguyên – vừa được nhận giải Văn học Nghệ thuật Thủ đô  

Có nhiều ý kiến khác nhau về chất lượng của các tập thơ được “khai sinh” từ mạng xã hội. Điều đó cho thấy thơ đang được đọc một cách nghiêm túc, và độc giả cũng đòi hỏi chất lượng ở mỗi tác phẩm được xuất bản.
Sẽ là khiếm khuyết nếu diện mạo thơ trẻ 2014 không nhắc đến những tác giả chọn cho mình cách xuất hiện khá lặng lẽ nhưng có những đóng góp đáng kể cho diện mạo thơ trẻ trong dòng chảy văn chương nước nhà, như: Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư; Khúc lêu hêu mùa hè của Du Nguyên; Gió mặn của Trần Huy Minh Phương;  Những tấm ván trên cầu Hiền Lương của Ngô Liêm Khoan; Khi chúng ta già của Nguyễn Thị Việt Hà; … Dù không ồn ào, nhưng tác phẩm của những tác giả này đã được công chúng đón nhận với sự trân trọng.

Nhìn vào sự sôi động của thơ trẻ 2014, có người đã lạc quan về  một làn sóng thơ mới sẽ có thể diễn ra trong năm 2015, khi mà mạng xã hội ngày càng phát huy sự ảnh hưởng của mình trong đời sống, đặc biệt là với giới trẻ. Chúng ta hãy chờ xem.

Quyền của nhà văn bị phớt lờ

Bước sang năm 2015, nhà xuất bản (NXB) Giáo dục đang đứng trước nguy cơ bị Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC)  kiện vì không thực hiện nghiêm túc việc trả tiền tác quyền các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa (SGK). Theo thống kê của trung tâm này, SGK cho học sinh từ lớp 1 – 12 hiện nay đang sử dụng tác phẩm của  hơn 500  tác giả. Hầu hết các tác giả này đều chưa được hưởng tiền tác quyền, cũng như chưa được NXB xin phép khi sử dụng tác phẩm của mình. Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm qua , tuy nhiên trước đây những khiếu nại chỉ diễn ra giữa một vài tác giả và NXB, và phần đông các tác giả dù bức xúc những đành chọn cách im lặng. Chỉ đến khi VLCC  chính thức vào cuộc, vấn đề mới được giải quyết một cách rốt ráo.

Nhiều  ý kiến nhìn nhận rằng,  từ “phát súng mở màn” quyết liệt của VLCC trong năm 2014,  việc thực hiện chế độ tác quyền trong lĩnh vực văn học thời gian tới sẽ từng bước được làm nghiêm. Bởi lẽ, những bất cập trong việc thực thi quyền tác giả ở Việt Nam đã tồn tại quá lâu, gây nên sự phẫn nộ  trong giới cầm bút. Tác phẩm của nhiều nhà văn đang bị một số NXB lấy in tùy tiện trong các tuyển tập nhưng không hề có một lời xin phép và một đồng nhuận bút nào cho tác giả. Bỏ thời gian đi khiếu kiện để lấy vài trăm đồng nhuận bút, và chuốc lấy sự bực mình là điều mà không phải nhà văn nào cũng sẵn sàng làm. Hiện  nay, bên cạnh một số lớn các tác phẩm được sử dụng trong SGK tác giả không được hưởng quyền lợi, thì cũng còn một lượng không nhỏ các tác phẩm của nhà văn được sử dụng trong các sách tham khảo (STK). Đơn vị in sách thì cứ việc xuất bản sách, tái bản hàng năm với số lượng lớn, lợi nhuận lớn trong khi quyền tác giả bị phớt lờ. Có người gọi đây là tình trạng bóc lột sức lao động của các nhà văn.

 Nhà thơ Trần Đăng Khoa phải than lên rằng: “chữ “bản quyền” thường gây cho tôi cảm giác chán nản, mệt mỏi”. Lao động của nhà văn đã hết sức nhọc nhằn. Vậy mà họ còn đang bị khai thác, lợi dụng.

Quyền tác giả là quyền được pháp luật bảo hộ. Việc các NXB sử dụng tác phẩm của nhà văn để in sách, dù là SGK, STK đều phải trả tiền tác quyền cho nhà văn. Nhưng tại sao đến bây giờ, nhà văn vẫn không được hưởng cái quyền đương nhiên của mình? Câu chuyện bản quyền của nhà văn là vấn đề nóng được xới lên trong năm 2014, hy vọng sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2015.

1 nhận xét: