Đất nước Phù Tang: Bốn ngày đêm ngắn ngủi (Tiếp theo)
Ký sự này đã được đăng tải 2 chương trên khoivudongnai/sáng tác, nay xin giới thiệu 2 chương tiếp theo:
ẨM THỰC & NGHỈ NGƠI
BẢY
BỮA ĂN TRƯA VÀ CHIỀU TỐI
Tôi được ăn bữa đầu tiên trên đất Nhật vào
buổi trưa tại một nhà hàng ở tỉnh Saga, đối diện với bảo tàng của hãng thuốc
Hisamitsu. Nhà hàng này nằm trong một khu vườn có nhiều cây cối, có hồ nước (và
đá), các chòi tiếp khách rải rác trong vườn, kế bên có một hồ thiên nhiên rộng.
Đường đi lát đá, phong cảnh hữu tình, cổ kính... Đặc biệt ở đây có cây hoa anh
đào trăm tuổi mà du khách thường đứng dưới gốc chụp ảnh kỷ niệm. Đoàn chúng tôi
cũng không ngoại lệ. Tiếc là thời điểm này không phải là mùa hoa anh đào!
Trong nhà hàng, chúng tôi ngồi trên những
chiếc ghế có chiều cao bình thường quanh ba bàn ăn lại có chân chỉ cao khoảng sáu
tấc nên nó trở nên hơi thấp so với tầm tay. Những người phục vụ dọn dần các món
ăn đã được gọi. Có vẻ như đây chưa phải là bữa ăn hoàn toàn kiểu Nhật. Đầu tiên
là món thịt nguội ăn với rau sống muối chua; ăn xong, uống nước canh đựng trong
tách (mà hầu như ai trong chúng tôi cũng tưởng là nước trà). Món thứ nhì là thịt
bò nướng. Thịt được cắt sẵn từng lát vừa ăn, đặt sẵn trên vỉ đã được làm nóng
chứ không phải là kiểu đặt vỉ lên lò như món bò né ở ta. Mỗi người có một vỉ
thịt bò riêng, tự trở mặt các miếng thịt trên vỉ cho tới độ chín mình ưng ý để
ăn với một số rau cũng đặt sẵn trên vỉ như: cà tím (1 miếng), bí đỏ (1 miếng),
khoai lang chiên (2 miếng)... Có lẽ nhà hàng đã tính toán làm nóng vỉ sao cho độ
nóng được giữ vừa đến lúc khách ăn xong món này! Cuối cùng, mỗi người nhận được
một chén cơm trắng để ăn no bụng. Món tráng miệng là một món kem được làm từ
sữa tươi.
Trong lúc ăn, chúng tôi nghe tiếng đàn
piano vang lên nhưng không thấy người đàn, một lát sau thì xuất hiện một nhạc
công violon trình diễn vài bài.
Ngoài ba bàn ăn của đoàn chúng tôi về một
phía, ở hai bàn phía bên kia có hai nhóm khác, mỗi nhóm vài ba người. Họ ngồi
ăn im lặng, không thấy nói chuyện với nhau. Trong lúc đó ở phía chúng tôi thì
có chút ồn ào khi mọi người nâng những ly bia Asahi và cùng hô “Một – Hai – Ba
– Yô...!”. Ông giám đốc người Nhật cho biết ở các nhà hàng Nhật người ta ăn
uống trong sự yên tĩnh, tuy nhiên nhà hàng và các thực khách địa phương đều
thông cảm “thói quen” của người Việt, với điều kiện đừng gây ồn ào nhiều lần
quá trong một bữa ăn...
***
Bữa ăn thứ nhì trên đất Nhật của tôi là
bữa ăn chiều tối cùng ngày tại một nhà hàng ở thành phố Fukuoka .
18:30,
xe dừng tạm trên một đường phố đã lên đèn. Do trước nhà hàng không có chỗ đậu
xe nên đoàn phải xuống xe trước rồi đi bộ qua mấy đường phố mới đến được nhà
hàng. Đây là một nhà hàng nhỏ nhưng được giới thiệu là đúng kiểu Nhật.
Qua
cửa, khách phải tháo giầy gửi ở các ngăn kệ đặt sát cửa bên trong nhà vệ sinh.
Toa lét nhỏ, phòng nam chỉ có 2 chỗ phục vụ khách, 1 phòng nhỏ khác dành cho nữ,
phía ngoài có 2 bồn rửa tay. Nói chung là chật chội.
Phòng
ăn bố trí bàn thấp, mỗi khách có một nệm ngồi riêng. Những người “có bụng” cảm
thấy lo lắng vì sẽ phải khó chịu nếu ngồi xếp bằng trên sàn (hoặc ngồi xếp hai
chân về phía sau). Nhưng hóa ra không ai phải khó chịu cả. Phía dưới bàn có một
khoảng trống âm xuống vừa chiều cao cho khách để chân. Nhìn thoáng qua thì vẫn
thấy như mọi người đều ngồi ăn đúng “kiểu Nhật”!
Các
món ăn được dọn ra riêng cho từng người: Một chén nhỏ có rất ít rau và thịt
(không hiểu rau và thịt gì); món cá biển sống, ăn với nước tương được nhà hàng
pha sẵn mù tạt; món rau như là sà lách trộn dầu giấm; món gà nướng than với vài
miếng thịt gà chặt nhỏ, có mùi khói; món lẩu gà và rau cải, ăn chung với mì.
Tráng miệng với kem sữa.
Chủ
đãi khách uống bia Sapporo (Thay cho bia Asahi đã uống buổi trưa), sau đó
chuyển qua uống rượu sa kê nóng. Rút kinh nghiệm bữa trưa, mười mấy người chỉ
“Một – Hai – Ba – Yô...!” lần duy nhất nâng ly bia. Cần phải thế vì tuy phòng
ăn nhỏ, riêng, cửa kéo khép kín (kiểu cửa Nhật, Hàn) nhưng âm thanh vẫn thoát
ra ngoài.
***
Bữa
trưa của ngày thứ nhì, chúng tôi được đưa đến một nhà hàng nằm dưới chân đường
xe điện. Từ đây, sau khi ăn xong sẽ ra sân bay để về thủ đô Tokyo. Cũng là một
nhà hàng nhỏ, kiểu Nhật. Bà quản lý mặc kimono tiếp đón chúng tôi. Các cô phục
vụ cũng trang phục kiểu như kimono, đơn giản hơn.
Khách
cũng phải bỏ giầy, đi chân không vào nơi ngồi ăn. Cũng ngồi bàn thấp, bỏ thõng
chân xuống khu vực âm dưới sàn. Và mỗi người lại có riêng mấy món ăn Nhật: Cá
sống, mực sống (như là không thể thiếu) cùng nhiều món khác đựng trong chén
nhỏ, dĩa nhỏ, thêm một chén mì – cũng nhỏ; tất cả cùng để trong một cái giỏ như
giỏ đựng quà tết của VN (khoảng 20cm đường kính). Tráng miệng là một món như
đậu hũ. Đến bữa này, ấn tượng trong tôi là các món ăn đều nhìn có vẻ ít, nhưng
ăn hết vẫn vừa đủ no! Không thấy cảnh dĩa, tô thức ăn chung còn thừa quá nửa
trên bàn như ở các bàn ăn (hoặc nhậu) của ta!
***
Bữa
tối đầu tiên ở Tokyo, chủ nhà đãi khách ăn cơm Tàu tại một nhà hàng người Hoa
sang trọng. Xin không kể lại.
Ngày
thứ ba của chuyến đi, chúng tôi dùng bữa trưa tại một nhà hàng bán cơm từng khay cho khách.
Khách ngồi ghế cao, bàn vuông 4 chỗ ngồi, vì vậy không phải để giầy dép bên
ngoài.
Khay thức ăn của mỗi người gồm có mấy món
chiên: 1 con tôm tẩm bột chiên, 2 miếng thịt heo xắt vuông tẩm bột chiên, 2
miềng đậu hũ cũng tẩm bột chiên. Tất cả ăn với rau cải bắp xắt rất mỏng, khi ăn
rưới nước sốt lên (Có 2 loại: loại ngọt và loại chua). Ớt bột để riêng nêm hay
không tùy khách. Mỗi phần lại có thêm một chén cơm gạo ngon. Rau cải bắp xắt
nhỏ được người phục vụ tự thêm khi họ thấy lượng rau cũ gần hết. Nước uống tùy
thích nhưng hầu như đều gọi bia để giúp tiêu hóa lượng dầu mỡ các món chiên. Ăn
hết khẩu phần này thì khá no.
***
Ăn tối, chúng tôi đến một nhà hàng nằm
trên tầng 7 một cao ốc. Lại là một nhà hàng kiểu truyền thống Nhật. Khách bỏ
giầy dép ngồi bàn thấp, có ô để chân bên dưới bàn.
Vừa vào đến nơi đã ngửi thấy mùi cá
nướng. Quả nhiên ở ô trũng xuống giữa bàn có đặt một cái bếp than đỏ rực, chung
quanh có 6 xiên cá cắm trên lớp cát phủ ở đáy. "Thau" nướng cá này
được cách nhiệt nên đụng vào chung quanh ở tầm dưới chân vẫn an toàn.
Một khay nhỏ được dọn lên với những thức
ăn vừa nhỏ vừa ít: 3 con tép (tôm nhỏ cỡ 2cm) rim như kiểu VN, vài ba miếng mấy
loại rau.
Người phục vụ đều là nữ, mặc kimono có
đeo tạp dề.
Trước khi thưởng thức món cá nướng, chúng
tôi ăn món cá sống ăn với mù tạt. Đến lần này thì hầu như mọi người đều đã quen
ăn cá sống, không còn nghe câu nói e dè nào nữa.
Cá nướng bằng hơi nóng nên thời gian
nướng hơi lâu. Tự người phục vụ theo dõi để trở cá chứ không để khách làm lấy.
Món cá nướng này thịt mềm, ngọt nhưng phần da ăn không ngon. Ông giám đốc chủ
nhà giải thích cá sống hoặc cá nướng đều là cá biển. Hầu hết người ta không ăn
cá sông!
Lại thêm hai dĩa hải sản cho bàn 6 khách
ăn, khách tự nướng. Mỗi đĩa gồm: 6 con cá loại dài (được giải thích là cá sống
ở độ sâu nhiều ngàn mét dưới biển nên mình dẹp), 6 miếng cá có chiều ngang thân
khoảng 3 ngón tay, nhiều miếng nhỏ của 2 loại cá khô, vài con tép rim.
"Rau" gồm: mấy miếng khoai lang xắt ngang củ, vài miếng bí đỏ.
Cuối cùng là một chén cơm đã được chan
canh sẵn! Anh nhân viên từng đi Nhật nhiều lần nói: Cơm được xem là món ăn quý
nhất bữa nên bao giờ cũng ăn sau cùng. Việc này cũng giúp người ăn thưởng thức
được hương vị riêng của từng món thức ăn trước khi ăn cơm!
Không khí ăn uống này thì rượu sa kê được
mọi người cùng chọn.
Cả bữa ăn, tôi nhớ mỗi một chi tiết: Khi
một người khách làm rơi đũa thì người phục vụ lấy đôi đũa khác để thay ngay,
nhưng thay vì để đũa theo chiều dọc thì cô để đũa theo chiều ngang. Nhân tiện,
cô sửa luôn chiều đặt đũa của mấy người khách cùng bàn. Mọi người tỏ ra thú vị
với cách đặt đũa này, sau đó không thấy ai bị rơi đũa nữa!
***
Bữa ăn cuối chuyến đi của tôi trên đất
Nhật là bữa ăn trưa tại một nhà hàng có kiểu trang trí đặc biệt. Tre và gỗ được
chọn làm màu và vật chủ đạo cho toàn nàh hàng. Vách gỗ không bào phẳng mà làm
nhấp nhô như dợn sóng. Rất nhiều bao bằng mây tre đựng gạo được đặt chồng chất
lên nhau trên đường đi, biết là để trang trí nhưng không hiểu bên trong có đựng
gạo hay không? (Nhìn giống những bao đựng gạo trong phim Ôsin)...
Ăn trưa nhưng theo kiểu ăn buffet. Mỗi
người sử dụng một khay nhựa có 9 ô trũng, tùy chọn món ăn cho vào các ô đó. Ngoài
thức ăn mặn còn có rất nhiều loại chè tự chọn và múc ra chén riêng (Cũng có thể
sử dụng khay 9 ô nếu còn trống).
ĂN
BUFFET SÁNG
Đoàn chúng tôi có ba đêm nghỉ tại Nhật.
Đêm đầu tiên là ở khách sạn Hilton Fukuoka tại
tỉnh Fukuoka .
Hai đêm sau ở khách sạn Shinagawa Prine tại Tokyo . Vậy là có ba bữa ăn sáng tại hai khách
sạn này.
Có lẽ do ở hai khách sạn đều thuộc loại “nhiều
sao” nên phòng ăn buffet ở hai nơi này dều rộng lớn, đông khách và họ phải có
cách quản lý riêng.
Ở Hilton Fukuoka, khách không đông bằng ở
Shinagawa Prine nên bộ phận đón khách không nhiều người. Họ đứng trước cửa
phòng ăn, nhận phiếu ăn của khách rồi mời đến một bàn ăn nào đó – thường là bàn
4 người với 4 bộ đồ ăn.
Nếu nhóm khách là 3, 4 người thì được dành riêng 1 bàn. Khách đi lẻ hoặc 2
người được ngồi ghép để có 3 hoặc 4 người. Một bình cà phê
đen được đặt sẵn tại bàn ăn, có đường trắng và đường nâu để khách chọn.
Phòng
ăn khá rộng rãi, có nhạc nhẹ. Giờ ăn bắt đầu từ 6:30, khách đến ăn còn thưa
thớt nên được hướng dẫn thong thả. Từ khoảng 7:30 trở đi, khách đến đông nên
phải xếp hàng.
***
Ở Shinagawa, lượng khách đông hơn hẳn. Vì
vậy khách sạn bố trí đến hai công đoạn đón khách. Đầu tiên, một nhóm hai ba
nhân viên (thường là nữ) đứng vừa mới khách bằng tiếng Nhật (tôi nghe cứ như
tiếng chim!) và nhận phiếu ăn. Ở vị trí kế đó, một nhóm nhân viên khác dẫn
khách vào sảnh ăn. Khách đi lẻ được mời đến khu vực bàn nhỏ, khách nhóm thì qua
khu vực bàn lớn hơn. Tại mỗi bàn, khách được trao một tấm thẻ có số để đặt vào
cái giá nhỏ giữa bàn, khi ấy, bàn này là “bàn đã có người ngồi”. Đi lấy thức
ăn, quay lại bàn ăn thưởng thức, khách hoàn toàn yên tâm là không bị mất chỗ. Nhân
viên thấy bàn nào có thẻ đều không mới khách mới vào ngồi, dù lúc ấy bàn để
trống. Dù vậy, cách quản lý khoa học này thỉnh thoảng cũng gặp “sự cố”. Theo
hướng dẫn thì sau khi ăn xong, khách phải lấy lại thẻ trên bàn để giao lại cho
nhân viên hướng dẫn bàn. Trong thực tế, quy định này được nói bằng tiếng Nhật
và nhiều du khách không biết tiếng Nhật đã rời bàn ăn của mình mà không trả lại
thẻ. Vậy là có bàn trống mà khách mới không được mời vào!
Thói quen xếp hàng hiện diện ở cả các
quầy thức ăn tự chọn. Ở ta, đi một vòng ngoài, thấy món nào mình thích ăn thì
cứ chen vào mà lấy; món không chọn thì bỏ qua. Người Nhật khác. Họ xếp hàng từ
đầu quầy thức ăn. Đến trước một món không chọn, họ đứng lại chờ người đứng
trước lấy thức ăn xong mới tiến tới. Nếu vẫn là món họ không chọn, họ lại tiếp
tục đứng đợi người đi trước lấy thức ăn. Các món ăn, thức
uống rất phong phú, đáp ứng được nhu cầu của thực khách đa quốc gia cùng những
sở thích riêng của từng cá nhân.
Thói quen giữ yên lặng trong khi ăn cũng
đáng học hỏi, dù đây chỉ là bữa ăn sáng tự chọn chứ không phải bữa ăn chính.
***
Bảy bữa ăn do chủ nhà đãi, lại toàn ở
những nhà hàng, chắc chắn chỉ là một phần “bề nổi” của ẩm thực Nhật. Cái “chiều
sâu” việc ăn uống của người Nhật, coi như tôi biết còn quá ít. Dù sao thì cũng có
những ấn tượng nhất định và thấp thoáng cái “chiều sâu” trong “bề nổi”.
NGHỈ
NGƠI
Ở tỉnh nhưng khách sạn Hilton Fukuoka
cũng có hơn 1000 phòng. Đây là khách sạn 5 sao, nằm trong khu vực cảng Hakata,
cách tháp Fukuoka tower hơn 1km, thuộc tập đoàn khách sạn Hilton của Mỹ. Tập
đoàn này ra đời từ đầu thế kỷ XX và đến nay đã có mặt trên 80 quốc gia với 2800
khách sạn và gần nửa triệu phòng.
Nhận thẻ từ rồi đi thang máy lên tầng 23
vào phòng mình, tôi “đụng” ngay một trở ngại: điện ở Nhật là điện 110v và dùng
phích cắm dẹp nên các đồ dùng điện 220v, phích cắm tròn vốn thông dụng ở Việt
Nam đem qua đầy hầu như trở thành vô dụng. Điện thoại không thể sạc pin, laptop
không dùng điện được, muốn sạc pin máy ảnh kỹ thuật số cũng bó tay! Kiểm tra lại
thì thấy các cục adapter có nguồn điện thế vào từ 110 đến 200 volt coi như ổn,
nhưng phích cắm phải là phích dẹp. May mà khi gặp một anh trong đoàn vốn là
người của công ty chủ nhà từng đi Nhật nhiều lần, anh cho mượn một ổ cắm
chuyển.
Có lẽ chủ nhà ưu ái với khách nên mỗi
khách được bố trí ở một phòng riêng vốn dành cho hai người. Ở một mình có cái
tiện nhưng trong cái khách sạn hơn 1000 phòng này, một mình một phòng đôi lúc
cũng thấy... sợ. Vì vậy sáng hôm sau tôi đã nghe mấy vị phụ nữ trong đoàn bàn nhau
khi lên Tokyo
sẽ đề nghị ở chung hai vị một phòng!
Phòng tôi ở, cửa sổ nhìn ra phía biển.
Buổi sáng mở rèm, thấy cảnh biển từ xa, ở một góc có tòa nhà xây dựng biệt lập
với vòng rào bảo vệ khá rộng; thấy con kênh thẳng tắp với mấy cây cầu bắc
ngang, được biết thực ra chính là một phần biển được chừa lại khi người Nhật đổ
đất lấn biển làm nên khu vực rộng lớn này!
Sáng, sau khi ăn sáng xong, thu xếp hành
lý, trả phòng, ngồi đợi ở sảnh trước khách sạn thì tôi gặp một thanh niên hỏi
bằng tiếng Việt có phải tôi đi dự hội nghị khoa học sáng nay ở đây? Tôi bắt
chuyện. Cậu ta giới thiệu đang trong thời gian tu nghiệp tại đây, qua năm sẽ về
nước tiếp tục làm việc cho một công ty Nhật đầu tư tại Việt Nam . “Họ có nhiều cái để mình học
lắm, bác ạ!”. Cậu tu nghiệp sinh nói với tôi mấy lần ý đó.
***
Khách sạn Shinagawa Prine lớn hơn nhiều,
có đến trên 3600 phòng. Có hai hệ thống thang máy khác nhau mà khách phải lựa
chọn đúng. Một hệ thống chỉ lên đến tầng 17, hệ thống kia lên các tầng cao hơn.
Lần đầu tiên được hướng dẫn thì người nào cũng đi đúng, nhưng sau đó khi xuống
rồi trở lên, không ít khách ở tầng 18 trở đi “hồn nhiên” vào các thang máy ở hệ
thống khác nên phải một lần “lên rồi xuống” rút kinh nghiệm!
Ở khách sạn tầm cỡ này cũng còn lắm điều
phải biết: khách sạn có hồ bơi nhưng chỉ hoạt động theo giờ nhất định và khách
phải trả phí từ 500 – 1000Y tùy thời điểm! Ở đây cũng không có wifi miễn phí. Muốn
khỏi trả tiền thì vào mạng trong các phòng do có cáp nối mạng với máy vi tính. Tuy
nhiên khi nối mạng thì chỉ nhận được một trang web tiếng Nhật. Đánh các địa chỉ
khác đều không vào được! (Ở khách sạn Nam Ninh – Trung quốc – tôi cũng gặp tình
trạng tương tự, khi vào mạng miễn phí trong phòng, chỉ thấy trang web tiếng
Hoa!)
Cũng giống như ẩm thực, hai khách sạn
“sao” mà đoàn chúng tôi được chủ nhà bố trí cho ở chỉ là “bề nổi” nơi chốn an
cư của người Nhật. Bên cạnh đó, hệ thống khách sạn bình dân chắc chắn có những
đặc điểm khác hơn nhiều. Chẳng hạn như trước chuyến đi, tôi đọc được khuyến cáo
trên một trang web du lịch rằng nên đem theo bàn chải đánh răng, khăn mặt... vì
ở Nhật, khách sạn không trang bị những vật dụng này. Thực tế ở Hilton Fukuoka
và Shigawata Prine, tất cả đều có sẵn cho du khách sử dụng. Vậy khuyến cáo trên
là dành cho các khách sạn bình dân chăng?
Nước Nhật vẫn còn quá nhiều bí mật với
tôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét