Đất nước
Phù Tang:
Bốn ngày
đêm ngắn ngủi
Chuyến
bay JL 750 của hãng hàng không Nhật Bản cất cánh lúc 23:40 ngày thứ hai
23/9/2013 tại sân bay Tân Sơn Nhất đã đưa tôi đến với nước Nhật.
20:30
ngày 27/.9, chuyến bay JL759 đáp xuống Tân Sơn Nhất, trả tôi về Việt Nam .
Như
vậy, tôi đã có đúng 4 ngày đêm vừa di chuyển, vừa thăm nước Nhật. Chuyến đi tuy
bất ngờ và ngắn ngủi, dẫu sao cũng vẫn là một chuyến đi xa đến xứ sở của hoa
anh đào mà tôi không biết trong đời mình có lập lại lần thứ hai?
Hành
trình chuyến đi của tôi có thể tóm gọn như sau: Từ VN bay đến Tokyo, sau đó
chuyến chuyến bay đến tỉnh Fukuoka .
Từ Fukuoka di chuyển bằng xe đến thành phố Tosu của tỉnh Saga kế bên để thăm
bảo tàng và nhà máy sản xuất của Công ty Hisamitsu (sản xuất miếng dán
Salonpas) là đơn vị mời khách. Tham quan ở đây rồi trở lại Fukuoka, tham quan ở
Fukuoka . Bay
trở lại Tokyo tham quan rồi trở về Việt Nam .
Xin giới thiệu 2 chương đầu:
1. Sân bay Nhật
2. Đền Dazaifu và 6000 cây hoa báo xuân
SÂN BAY
NHẬT
Chuyến đi giúp tôi biết được 3 sân bay
của Nhật: sân bay quốc tế Narita, sân bay nội địa Haneda ở thủ đô Tokyo và sân bay tỉnh Fukuoka . Vé máy bay mà đơn vị chủ nhà mua cho
tôi ghi tổng số tiền cho hai chuyến bay đi về VN – Nhật cùng 2 chuyến bay nội
địa Tokyo – Fukuoka ở Nhật là 600USD, cộng thêm các khoản phí, thuế là
831.30USD.
Khởi hành từ Tân Sơn Nhất lúc gần nửa đêm
(giờ VN) ngày 23/9, chuyến bay JL 750 đưa tôi đến sân bay Narita lúc 7:35 (giờ
Nhật Bản = giờ VN + 2) ngày 24/9. Tính ra thời gian bay là khoảng 6 tiếng.
Máy bay có đến hàng ghế thứ 60. Ở khoang
khách thông thường được thiết kế mỗi hàng 7 ghế: ở giữa 3 ghế, hai bên mỗi bên
2 ghế. Vì khoang thương gia thiết kế số ghế mỗi hàng ít hơn nên tôi ước đoán có
khoảng 400 khách cho chuyến bay.
Khi máy bay lên đến độ cao và bay ổn
định, hầu hết khách đều chuẩn bị tìm giấc ngủ. Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng
đèn vẫn sáng và khoảng nửa giờ sau, khi mọi người đang chập chờn thức ngủ thì
các nữ tiếp viên đẩy xe mời nước khách. Ít phút sau đó nữa, hầu hết đèn trong
khoang máy bay mới tắt, chỉ để vài ngọn lấy ánh sáng mờ. Mọi người yên tâm ngủ.
5:30 (giờ Nhật), sau gần 4 giờ bay, giữa
sự yên lặng bỗng vang lên giọng của cơ trưởng thông báo bằng tiếng Nhật rồi
tiếng Anh. Tất cả đèn mở sáng. Hành khách được phục vụ bữa ăn. Quá sớm để ăn
sáng và cũng là ăn sáng bất thường vì chẳng ai làm vệ sinh cá nhân (đánh răng,
rửa mặt...) như ở nhà. Biết sao được khi mọi người đang ở trên máy bay!
Hộp thức ăn chính có bánh trứng, xúc
xích, dưa leo, cà chua. Hộp nhỏ hơn là rau cải chua, dưa leo, cà chua. Hộp
yaourt có nhãn hiệu Vinamilk của VN. Một chiếc bánh mì xốp nhỏ. Thức uống là cà
phê, trà ngũ cốc rang. Muỗng, nĩa đều bằng inox chứ không phải loại nhựa như
thường gặp trên máy bay Việt Nam .
Đèn được tiếp tục để sáng. Máy bay hạ dần
độ cao. Màn hình nhỏ trước mặt và mành hình lớn trên trần máy bay cho thấy
những hình ảnh phía dưới. Trời đang sáng dần. Những lọn mây không nhiều. Mặt
đất đã hiện ra với những mảng màu xanh của cây, những khu dân cư có nhiều tòa
cao ốc...
Một cái nhún nhẹ êm cho biết bánh máy bay
đã tiếp đường băng. Bắt đầu có nhiều tiếng động vang lên trong máy bay lẫn với
tiếng người. 7:20!
Vậy là tôi đã đến sân bay quốc tế Narita
của Nhật. Cứ tưởng máy bay sẽ sớm dừng sau khi một chiếc xe dẫn đường xuất
hiện. Nhưng chẳng có sự dẫn đường nào, và máy bay cứ chầm chậm lăn bánh trên
đường băng có đến mươi phút mới dừng hẳn. Sau này đọc tài liệu mới biết đường
băng ở đây khá dài. Có hai đường băng song song (trong kế hoạch 3 đường) đã
hoàn thành gồm một đường dài 4km (năm 1978) và một đường dài 2180m (năm 2002).
Theo chân trưởng đoàn, chúng tôi đi bộ từ
máy bay đến một cửa vào tàu điện (chứ không đi xe buýt) để đến nơi làm thủ tục
nhập cảnh. Những nhân viên của sân bay hướng dẫn khách đều lớn tuổi, có người
mái tóc đã bạc trắng. Họ vui vẻ, dẫn khách đến xếp hàng trước những cửa làm thủ
tục. Thấy hàng nào đã bớt khách, họ mời người ở hàng còn đông khách chuyển qua.
Một thủ tục khác với nhiều nơi tôi đã đi
qua là khi làm thủ tục nhập cảnh, khách phải chụp ảnh chân dung và lăn tay bằng
máy đặt sẵn phía trước quầy. Việc chụp ảnh thì khá dễ dàng, chỉ việc nhìn vào
camera, nhưng lăn tay thì sau khi đặt vào vị trí, nếu không nhấn xuống máy sẽ
báo lỗi chưa hoàn thành.
Nơi kiểm tra an ninh hành lý xách tay và
thân thể du khách cũng rất chặt chẽ. Hộp quẹt bị giữ lại. Laptop phải bỏ hẳn ra
ngoài khi qua máy soi. Du khách phải tháo giầy, dây nịt quần. Giầy được đưa đi
soi, dây nịt thì được nhân viên an ninh nắn suốt chiều dài sợi. Khách được cho
mượn dép khi tháo giầy. Các chai nước (và cả thuốc nước) dù được đem lên máy
bay do mua ở phòng đợi từ TSN hoặc là nước được phục vụ trên máy bay cũng phải lấy
ra, đưa vào máy riêng kiểm tra rồi mới trả lại cho khách. Với chai nước có màu,
nhân viên kiểm tra còn mở nắp để ngửi mùi.
Dù sao thì với lượng khách đông, việc
kiểm tra tuy chặt chẽ như thế vẫn có sơ sót. Tôi để ý có người vừa bước qua cửa
kiểm soát thì được nhân viên khu máy soi gọi yêu cầu mở túi lấy laptop ra. Thế
là du khách này “thoát” việc kiểm tra thân thể!
Việc nhận hành lý gửi khá nhanh. Với
những hành lý cuối cùng chưa có người nhận, nhân viên sân bay tự đem xuống để
tập trung một chỗ chờ khách đến nhận chứ không để cứ vòng đi vòng lại.
Sân bay Narita là sân bay tấp nập thứ nhì
của Nhật Bản, thứ ba thế giới về vận chuyển hàng hóa. Nó nằm tại Narita, tỉnh Chiba , sát thủ đô Tokyo
nhưng phải mất 1 giờ tàu Express hoặc lâu hơn nế đi đường bộ và bị kẹt xe mới
đến trung tâm Tokyo .
Có phương án xây dựng từ năm 1962, nhưng
do vấp phải sự phản đối của Phong trào Chủ nghĩa xã hội Nhật và cư dân trong
vùng phải giải tỏa nên mãi đến năm 1978 sân bay mới được khánh thành và cũng
mới chỉ có 1 đường băng (trong kế hoạch 3 đường băng). Sân bay này được gọi
tên là Sân bay quốc tế mới Tokyo (tiếng Anh: New
Tokyo International Airport' /
tiếng Nhật: Shin-Tōkyō Kokusai Kūkō)
cho đến năm 2004.
Ngày 1/4/2004, sân bay Narita được tư
nhân hóa và chính thức đổi tên thành Sân bay quốc tế Narita. Với sự phát triển
nhanh ở sân bay Narita, chính phủ Nhật đã cho phép sân bay cũ Haneda được bay
một số chuyến đi quốc tế nhằm giảm tải cho Narita.
Chuyến về Narita – Tân Sơn Nhất, đoàn
chúng tôi ra cửa 94 và tôi thấy bảng hướng dẫn ghi đến cửa số 99. Từ nơi kiểm
tra an ninh và hành lý xách tay, chúng tôi phải đi bộ hơn 20 phút mới đến phòng
đợi lên máy bay.
(Ở
nước ta, việc xây dựng sân bay quốc tế tại Long Thành – tỉnh Đồng Nai – cỏ vẻ
giống việc xây dựng sân bay Narita của Nhật. Về mục đích: Sân bay mới cũng nhằm
giải quyết sự quá tải cho sân bay cũ – Tân Sơn Nhất ở phía nam VN / Haneda là
sân bay cũ ở thủ đô Tokyo. Về thực hiện: đều không tránh được sự phản đối tuy
với các lý do khác nhau).
***
Chúng tôi không đến cửa ra của sân bay
Narita mà di chuyển đến nơi check in chuyến bay đi Fukuoka.
Là chuyến bay đi tỉnh nên không đông
khách. Những người nhân viên đứng quầy nào rảnh đều tự động bước ra khỏi quầy,
mời khách đến làm thủ tục. Họ luôn tươi cười, nói tiếng Nhật đã nhanh mà nói
tiếng Anh cũng rất nhanh! Gửi hành lý, kiểm tra an ninh rồi lên máy bay. Tất cả
đều dễ hơn khi mới đến Narita.
9:35, chuyến bay nội địa JL3051 cất cánh
đi Fukuoka .
Tôi quan sát thấy chuyến bay có nhiều ghế
trống. Có 38 hàng ghế, thiết kế hai bên 3 + 3 ghế (Khoang thương gia thì là 2 +
3). Ngay hàng ghế tôi ngồi (hàng 37, chỉ một mình tôi ngồi 1/3 ghế phía phải!)
Trời nắng đẹp. Trên không có nhiều lọn mây
trắng. Tôi ngồi bên cửa sổ nên tha hồ chụp ảnh mây và cảnh bên dưới sân bay Fukuoka lúc máy bay chuẩn
bị đáp xuống.
Đến sân bay Fukuoka lúc 11:30. Thời tiết dễ chịu, khoảng
25 độ, tuy mặt trời đã lên cao. Thủ tục Check out cũng dễ dàng và nhanh chóng như
khi check in.
Người hướng dẫn có giới thiệu cho chúng
tôi biết là sân bay Fukuoka
tuy chỉ là một sân bay tỉnh, nhưng tần suất các chuyến bay di – đến trong ngày
rất cao. Lượt về lại Tokyo ,
trên đường xe chạy ngang qua sân bay này, tôi để ý thấy đúng như thế. Cứ hai,
ba phút lại thấy có một chiếc máy bay cất cánh hoặc đáp xuống!
***
Ngày thứ tư 25/9, tôi lại có dịp biết
thêm sân bay Haneda ở Tokyo .
13:00, chúng tôi check in tại sân bay Fukuoka để lên chuyến bay
JL318. Ở đây, hành lý gửi được kiểm tra ngay phía trước các quầy làm thù tục
lấy vé ngồi. Sau đó, khách qua một cửa kiểm tra hành lý xách tay rồi ra phòng
đợi.
Một số người trong đoàn chúng tôi tranh
thủ nua hàng miễn thuế, số khác ngồi đợi để đến giờ nhập chung cùng lên máy
bay. Nơi chúng tôi ngồi đợi đã xảy ra một trường hợp khách vào kiểm tra hành lý
xách tay đã để quên cái ví trên ghế ngồi. Cái ví lập tức được giao cho nhân
viên sân bay và hoàn trả cho người bỏ quên. (Trên
xe khi di chuyển đến sân bay, tôi được nghe cô HDV người Nhật nói rằng du khách
đến Nhật không sợ mất đồ làm rơi, bỏ quên vì chắc chắn nó sẽ được trả lại!).
Máy bay khá lớn. Vé ngồi của tôi là số
47C và phía sau còn nhiều hàng ghế nữa. Mỗi hàng ghế được thiết kế 3 + 4 + 3
ghế. Tuy nhiên còn nhiều ghế trống. Cũng dễ hiểu vì đây là sân bay tỉnh, chắc
chắn không có đông khách từ Fukuoka
đi thủ đô.
14:00 Bắt đầu bay đi Haneda (Tokyo ). Trời mưa nhỏ.
Thông tin Tokyo
có cơn bão sắp qua.
16:00 Đến sân bay Haneda. Trời mưa lâm
râm.
Theo các tài liệu thì sân bay
Haneda nằm ở quận Ota của Tokyo. Đây là một sân bay có vị trí thuận tiện là chỉ cách trung tâm Thành
phố Tokyo khoảng 14km (So với sân bay Narita là 65km).
Năm 1931, sân bay Haneda đã
được xây dựng là một sân bay dân dụng với các chuyến bay nội địa và một số
chuyến bay quân sự đến vùng phía Bắc Trung Quốc. Trong thế chiến thứ II
(1936-1945), Haneda trở thành sân bay quân sự. Chiến tranh kết thúc, theo hiệp ước Postdam, Nhật Bản không được phép thành lập
quân đội. Sân bay Haneda phải giao cho lực lượng Mỹ đồn trú và được đổi tên
thành Căn cứ Không quân Haneda sử dụng cho mục đích quân sự trong suốt 6 năm
sau đó.
Mãi đến năm 1951,
hãng Hàng không Nhật Bản (JAL) mới bắt đầu đưa vào hoạt động các chuyến bay chở
khách nội địa đầu tiên. Năm 1952,
quân đội Mỹ trao trả một phần căn cứ không quân Haneda cho chính quyền Nhật Bản
và đến năm 1958 thì toàn bộ căn cứ được trả lại cho chủ cũ. Tuy nhiên, sau
nhiều năm hoạt động, Haneda vẫn không có ga hành khách cho đến năm 1955, ga
hành khách đầu tiên của sân bay mới được khánh thành có diện tích 24.000 m2.
Vào thập niên
1960, ngành Hàng không của Nhật Bản bùng nổ theo sau việc chính phủ dỡ bỏ các
qui định đi lại khắt khe đối với dân chúng. Từ năm 1963, bên cạnh các chuyến
bay trong nước, Haneda bắt đầu mở rộng các chuyến bay quốc tế. Sân bay Haneda
bắt đầu trở nên quá tải. Một đường băng và một ga hành khách mới được xây dựng
và đưa vào hoạt động năm 1970.
Lượng hành khách nội địa sử
dụng các chuyến bay quốc tế từ Haneda cũng tăng mạnh vào những năm 1970. Đây
cũng là thời điểm hãng Hàng không Nhật Bản đưa vào hoạt động loại máy bay dân
dụng cỡ lớn.
Nhiều năm trước, sân bay Haneda chỉ tiếp nhận các chuyến bay nội
địa và một số chuyến bay
quốc tế đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông. Đến năm 2010, nơi đây có tổng cộng 4
đường băng. Đường băng thứ tư, còn gọi là đường băng D (Ảnh dưới) được thiết kế trên biển! Đây cũng là điều kiện góp phần
cho sân bay tăng thêm các chuyến bay quốc tế khác lên con số 17. Một đặc điểm
khác là các chuyến bay thường được lên lịch khởi hành vào nửa đêm hoặc sáng
sớm, giúp hành khách tận dụng được thời gian.
Tháng 9/2013, sân bay
quốc tế Haneda đã đưa vào hoạt động trạm kiểm soát không lưu mới, là trạm cao
thứ ba trên thế giới (Ảnh dưới). Tòa tháp này cao 116m cho phép các kiểm soát viên không lưu có thể
giám sát các chuyến bay đến và đi tại 4 đường băng trong phạm vi 4km.
(Tính đến nay, trạm kiểm soát
không lưu cao nhất và nhì thế giới được đặt tại Thái Lan và Malaysia ).
Bình quân mỗi ngày sân bay Haneda có 900
chuyến bay đi và đến. Tính theo lượng khách thì đây là sân bay bận rộn thứ nhì châu Á (sau sân bay quốc
tế Thủ Đô Bắc Kinh) và thứ 5 thế giới (sau các sân bay Hartsfield-Jackson Atlanta, sân bay Thủ Đô-Bắc Kinh, sân bay Chicago O'Hare, và London Heathrow). Nếu tính
theo lượng khách của cả 2
sân bay Haneda và Narita cộng lại thì Tokyo có hệ thống sân bay thành phố bận rộn
thứ 3 thế giới, chỉ sau các hệ
thống sân bay tại London và các sân bay tại Thành phố New York.
Thực tế khi tôi cùng đoàn tham quan xuống
sân bay Haneda, tôi không ghi nhận được gì nhiều vì thủ tục ở đây cũng tương tự
như ở Fukuoka ,
không “gắt gao” như ở Narita. Các quãng đường di chuyển qua các cửa kiểm tra
đến cửa ra có cự ly không xa. Ngoài ra vì là “khách nội địa”, lại không có thời
gian nên rất tiếc đã không được ngắm Trung tâm Thông tin Du lịch nằm trên tầng
2 của Nhà ga quốc tế số 3 được xây dựng 5 tầng, như được giới thiệu trước.
ĐỀN
DAZAIFU
VÀ 6000
CÂY HOA BÁO XUÂN
Trong
chuyến thăm bảo tàng và nhà máy của hãng Hisamitsu chuyên sản xuất cao dán
Salonpas đặt tại thành phố Tosu của tỉnh Saga (Nhật Bản), đoàn chúng tôi phải
bay từ Tokyo đến sân bay thành phố Fukuoka (Phúc Cương Thị) thuộc tỉnh cùng
tên, rồi từ đó di chuyển qua đường bộ đến Saga. Trở lại Fukuoaka, chúng tôi có
một ngày nghỉ ngơi và tham quan cảnh đẹp nơi đây. Thật bất ngờ và thú vị khi
chúng tôi được hướng dẫn đến thăm đền Dazaiku, nơi có trồng 6000 cây hoa báo
xuận.
Hoa
báo xuân
Ở Nhật Bản, chỉ đứng sau hoa anh đào
(Sakura) về vẻ đẹp và sự yêu thích là hoa mận. Mận Nhật (Ume )
còn được gọi là mơ hoặc hoa của nó được gọi văn vẻ hơn là hoa báo xuân. Gọi là
hoa báo xuân quả không sai, vì những cây hoa này nở vào tháng 2, tháng 3 trên
khắp nước Nhật (Sau đó đến mùa hoa anh đào). Hoa mận có màu từ trắng, hồng đến
hồng sẫm, thường có năm cánh (Một số ít loài có hơn 5 cánh gọi là yae-ume). Hoa
mận có mùi thơm ngát quyến rũ, hấp dẫn người thưởng ngoạn và là cảm hứng cho
văn nghệ sĩ sáng tạo nên những áng văn thơ, những bức họa đầy xúc cảm.
Vào đầu mùa xuân, hoa mân nở hầu như đồng
loạt ở các vùng thung lũng, trong các công viên hoặc các đền thờ... Người ta
thường tổ chức các lễ hội để ngắm hoa mận. Cả nước Nhật có nhiều nơi trồng cây hoa
này. Thủ đô Tokyo
có nhiều điểm trồng nhưng số cây không vượt quá 1000. Các tỉnh khác có những
điểm trồng đến 2000 (tỉnh Kyoto ) hoặc 3000 cây
(tỉnh Ibaraki ).
Riêng trong khuôn viên của đền Dazaifu ở Fukuoka ,
người ta trồng đến 6.000 cây hoa mận. Không khó để hình dung vào mùa hoa nở, dù
có đến hàng ngàn người đến viếng đền thì cũng chỉ lọt thỏm vào một khu vườn hoa
báo xuân khổng lồ tỏa hương thơm ngào ngạt...
Trái mận khá chua, được chế biến thành
món mận muối (umeboshi). Umeshu là nước giải khát có cồn với nguyên liệu là trái
mận.
Đôi
nét về Fukuoka
Tỉnh Fukuoka nằm trên đảo Kyushu thuộc
phía Nam
nước Nhật. Từ thời kỳ đồ đá nơi đây đã có người sinh sống. Do ở gần với Triều
Tiên và Trung Quốc nên nơi đây có mối giao lưu lâu đời với hai nước này, trong
đó cảng biển ở cửa vịnh Hakata là nơi giao thương quan trọng. Chính vì thế mà
sau khi chinh phục Triều Tiên, đại hãn Hốt Tất Liệt đã nhòm ngó nơi đây. Năm
1274, ông đã đưa 900 chiến thuyến vào cảng Hakata nhưng gặp bão cùng sự chống
trả quyết liệt nên phải rút lui. Sau đó, những võ sĩ Nhật Bản đã xây dựng bức
tường đá dài 20 km, cao khoảng 2-3 m ở biên giới bờ biển vịnh Hakata để ngăn
giặc. Một phần bức tường đá này còn đến ngày nay. Lần thứ nhì vào năm 1281,
quân Nguyên lại đưa 4.000 chiến thuyền cùng 140.000 quân tiến về cảng Hakata. Một
cơn bão mạnh đã đánh tan cuộc xâm lược. Từ đó người Nhật ở đây gọi cơn bão là
Kamikaze (Thần phong = Gió thần). Cả hai trận đánh năm 1274 (gọi là Bunei no
eki) và năm 1281 (gọi là Koan no eki) được coi là 2 trận chống ngoại xâm nổi
tiếng trong lịch sử Nhật Bản.
Tỉnh Fukuoka chỉ có 1 con sông đổ ra vịnh
Hakata. Vùng vịnh này trước kia thuộc cả hai phe Fukuoka và Hakata. Họ
cạnh tranh nhau và phe Fukuoka đã thắng vì thế khi sáp nhập lại, tên tỉnh được
đặt là Fukuoka. Người Hakata rất bực mình vì bị thua cuộc. Để lấy lòng họ, một
số nơi trong tỉnh được chính quyền đặt tên là Hakata như: Cảng Hakata, ga
Hakata... (Việc đặt tên này khiến nhiều người đã nhầm lẫn khi gọi ga Hakata là
"Ga Fukuoka"...)
Fukuoka
là một thành phố trẻ đứng thứ nhì của Nhật, là tỉnh có nhiều nghệ sĩ âm nhạc
tài năng như Aynmi Hamasaki, nữ hoàng J-POP... Vào thập niên 1970, nghệ sĩ nơi
đây còn từ hào vì họ là nguồn gốc của Mentai Rock, một loại nhạc Rock địa
phương. Fukuoaka cũng là nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng trong đó có tháp
Fukuoka cao 234m được xây dựng và gắn 8000 tấm gương chung quanh, là nơi ngắm
toàn cảnh thành phố. Đền Dazaiku là địa chỉ tâm linh nổi tiếng khác của
Fukuoka.
Ngôi đền thờ một hoc giả
Người
Nhật có hai tôn giáo chính là Thần đạo và Phật giáo. Ngày Tết, người Nhật theo
đạo Phật đánh 108 tiếng chuông để tống tiễn 108 tật xấu của con người, cầu một
năm tốt đẹp cho mình. Chùa có thờ tượng Phật còn các đền Thần đạo thì không. Bởi
vì những người theo Thần đạo thờ đến 8 triệu vị thần khác nhau.
Đền
Dazaiku là một đền thờ Thần đạo, là nơi thờ học giả, nhà chính trị Sugawara
Michizane (Thế ký IX). Ông được thờ như vị thần của học vấn và tri thức. Hàng
năm có rất, rất nhiều các sĩ tử đã đến đây cầu nguyện để thi cử được thành đạt
như ý. Vào 3 ngày tết, có khoảng 2 triệu người đến cầu điều tốt lành. Bên cạnh
đền có những gian hàng bán bùa may mắn mà những người cầu tài, cầu danh, cầu
học vị, cầu may mắn... không tiếc tiền mua về.
Từ nơi
đậu xe, khách phải đi qua một đường phố khá dài, hai bên là những cửa hàng bán
đồ lưu niệm, thức ăn đặc sản, trong đó có một cửa hiệu cà phê Straburg có thiết
kế lạ mắt với hơn 2000 thanh gỗ rộng 6cm, dài từ 1,3 đến 4m, bố trí trên trần,
tường và các góc. Tổng chiều dài các thanh gỗ này được tính toán đến 4,4km!
Cuối
đường phố bán hàng này, trước khi rẽ trái qua đường vào đến, mọi người thường
sờ vào tượng con trâu đồng nằm dưới gốc cây cổ thụ để cầu sức khỏe. Ai muốn
mạnh khỏe nơi đâu trên thân thể thì sờ vào nơi tương ứng trên mình trâu. Một ai
đó đả nói đùa lời cảnh báo: “Cánh đàn ông không nên sờ vào... cặp sừng trâu!”.
Đường
vào đến chính đầu tiên phải qua cổng chào Torii, sau cổng có hai con chó đá
trông cũ kỹ, rêu phong, một con ngậm miệng, một con há miệng tượng trưng cho
đời người từ khi sinh ra đến khi mất đi.
Sau
cổng Torri, khách còn phải qua mấy cây cầu ngắn bắc qua mấy nhánh suối, hai bên
có nhiều cây cổ thụ và tượng, miếu nhỏ (Được giải thích là để thử thách lòng
thành của người đến cầu nguyện). Ngôi đền không lớn lắm. bên trong đền chỉ có
các tu sĩ mới được phép vào và đi lại bày trí lễ vật... Chúng tôi không thấy
tượng, ảnh gì cả mà chính giữa đền nơi “bàn thờ” có đặt một cái gương. Phía
trước đền là hai cây hoa mận mà theo tương truyền của dân gian thì chúng đã bay
theo thần thánh từ Kyoto về đến đây.
Thủ
tục cầu nguyện khá trang trọng. Người cầu nguyện trước tiên phải ghé vào hồ
nước rộng khoảng 10m2 ở phía trước và bên phải của đền múc nước bằng những cái
gáo tre để rửa tay và súc miệng (Để đôi tay chắp lại khi cầu nguyện và lời cầu
nguyện từ miệng thốt ra được thanh sạch trước thần linh). Khi cầu nguyện, người
ta không vào trong đền (như lễ đền chùa ở nước ta) mà chỉ đến đứng phía trước
đền, nơi có đặt hai thùng công đức lớn. Người cầu nguyện ném đồng xu vào thùng
(cũng có thể là tiền giấy Nhật hoặc tiền của bất cứ nước nào), sau đó vỗ tay
hai tiếng (để thông báo với thần linh) rồi bắt đầu chắp tay cầu nguyện. Cuối
cùng là xá hai lần và lui ra.
Năm
2013 vừa qua, đội bóng đá U17 của Học viện Hoàng Anh Gia Lai đã qua Fukuoaka
thi đấu giải Sanix cup và xếp hạng năm chung cuộc. Sau khi thi đấu xong, các
cầu thủ nhỏ được tham quan Fukuoaka đang mùa hoa anh đào nở và đến đền Dazaiku
để cầu nguyện. Đa số các em đã cầu nguyện đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt
nghiệp cấp 3 và có đôi chân tốt để phục vụ bóng đá chuyên nghiệp.
Một lời cầu nguyện trước đền Dazaiku
Đoàn
chúng tôi hầu hết là các doanh nhân và dược sĩ làm công tác kinh doanh dược
phẩm trong cả nước. Duy nhất chỉ có tôi là người viết lách chút đỉnh. Tôi chắc
rằng những người khác đã cầu nguyện được buôn may bán đắt. Phần mình, tôi không
cầu nguyện cho cá nhân mà nghĩ đến sự uyên bác của học giả Sugawara Michizane
và những trí thức trẻ Việt Nam. Họ là những cây hoa báo xuân cho đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét