Gặp
nhau đất khách
Truyện ngắn của Khôi
Vũ
Thật ngạc
nhiên khi chúng tôi nhận ra nhau cùng lúc.
- Mày hả Lan!
Sao vẫn gầy thế?
- Còn mày thì
tao thấy mệnh phụ lắm, Huyền à!
Vậy là sau hai
mươi năm, chúng tôi lại gặp nhau. Không phải trong công việc, không phải ở Việt
Nam ...
Mà là ở sảnh ra sân bay quốc tế Narita của Nhật!
Khi nhận được
lời mời của hãng thuốc H qua Nhật tham quan nhà máy sản xuất thuốc của họ, tôi
chỉ biết là có hai đoàn, một ở phía Nam bay từ Tân Sơn Nhất và một ở phía Bắc
bay từ Nội Bài. Hai chuyến bay khác nhau nhưng sẽ đến Nhật không chênh lệch
thời gian nhiều lắm. Đoàn phía Bắc đến trước, vẻ rất mong ngóng chúng tôi.
Ông giám đốc
hãng thuốc Nhật ở Việt Nam
ngạc nhiên hỏi chúng tôi rằng có phải hai người đã quen nhau từ trước không?
Huyền ôm lấy cổ tôi đáp:
- Chúng tôi là
đôi vợ chồng kẻ bắc người nam xa nhau lâu ngày nay mới được đoàn tụ!
Anh Ph. dịch
và ông giám đốc người Nhật cười ha hả vẻ thú vị lắm!
Hai đoàn nhập
một và chúng tôi có hai tiếng để làm thủ tục bay đi Fukuoka, qua làm việc ở tỉnh
Saga kế bên một ngày rồi mới bay trở lại Tokyo
tham quan.
Tôi và Huyền
check in hai ghế ngồi cạnh nhau. Chúng tôi có biết bao chuyện để chia sẻ với
nhau...
***
Cô hướng dẫn
viên người Nhật xuất hiện, thoạt đầu nói tiếng Anh. Hai đoàn chúng tôi nhập lại
nên có đến hai người phiên dịch từ tiếng Nhật qua tiếng Việt. Nhưng dịch từ tiếng
Anh qua Việt thì chỉ có anh Ph. của đoàn Nam mà không được thạo lắm. Cuối
cùng mọi người thống nhất với nhau là cô hướng dẫn sẽ nói tiếng Nhật.
Tôi và Huyền
chọn hai ghế ngồi cạnh nhau. Đầu tiên là chuyện gia đình của hai đứa. Tôi kể
chuyện chồng mình mất sớm nhưng vẫn nuôi cậu con trai ăn học đến nơi đến chốn
và cháu vừa thi đậu vào đại học bách khoa. Huyền nheo mắt ngắt lời tôi:
"Thế mày có người mới nào chưa?" – "Không! Tao vẫn sống một
mình" – "Sao ngu thế? Nếu không đi bước nữa thì cũng phải tìm một
thằng đàn ông để bồ bịch cho vui chứ! Hỏi thật nhé! Thế mày không có những lúc
thèm bọn hắn à?".
Tôi ngạc nhiên
trước cách ăn nói và cách đặt vấn đề của Huyền. Sao nó giống một đoạn phim nào
đó của một nước phương Tây thế, khi chuyện nhạy cảm nam nữ được nói ra một cách
hết sức tự nhiên từ miệng một người phụ nữ!
Thấy tôi không
trả lời, Huyền mỉm cười rồi chuyển qua chuyện công tác. Nó khoe đang là phó
giám đốc công ty Dược XH, một khách hàng vừa kỳ cựu, vừa có doanh số tiêu thụ
thuốc của hãng H lớn vào hạng nhất nhì toàn quốc. "Ông xã tao làm cùng
công ty, nhưng dưới quyền tao hơi bị nhiều... À quên, tao chưa kể, con gái tao
đang học cấp 3, còn cậu quý tử thì mới vào lớp sáu". Lại một cái nheo mắt:
"Hay là tao với mày kết thông gia đi!".
Tôi nói đùa:
"Tao thách cưới lớn lắm!". "Mày yên tâm! Gì chứ tiền chục tỉ tao
cũng lo được...". Tôi cố giấu sự ngạc nhiên. Có vẻ Huyền nói thật...
***
Ở khách sạn
Hilton tại Fukuoka ,
tôi và Huyền cũng như các khách mời khác mỗi người nhận thẻ điện tử ra vào một
phòng riêng dành cho hai khách. Sau gần hai mươi bốn tiếng hết ngồi máy bay lại
ngồi xe đi thăm nhà bảo tàng, thăm nơi sản xuất của hãng thuốc, rồi lại đi mua
sắm... chúng tôi mới được ngả lưng. Lúc ấy đã tám giờ tối. Mệt mỏi nên tôi chỉ
kịp thay bộ đồ ngủ là lăn ra giường ngủ thẳng một giấc cho đến khi nghe tiếng
chuông điện thoại bàn trong phòng mình reo vang. Đó là điện thoại báo thức mà nhân
viên tiếp tân thực hiện theo yêu cầu của ông giám đốc trưởng đoàn. Với tay nhấc
máy lên rồi đặt xuống theo lời dặn trước, tôi còn nằm nán lại ít phút mới ngồi
dậy.
Gặp nhau ở
phòng ăn buffet, tôi hỏi Huyền: "Tối qua mày ngủ được không?". Câu
trả lời của nó: "Ngủ như chết. Nhưng gần sáng phía ngoài có tiếng động lớn
khiến tao giật mình. Nằm ngủ lại tự nhiên thấy... sờ sợ mày ạ". Tôi chia
sẻ: "Tao cũng thấy như thế... Hay là từ đêm nay, tao với mày đề nghị ở
chung phòng đi". "Câu nói hay nhất sáng nay đấy! Tao sẽ nói với ông
trưởng đoàn".
Buổi tối trở
lại Tokyo để
tham quan, chúng tôi được toại nguyện. Trong khách sạn Shinagawa Prince, chúng
tôi ở chung một căn phòng tầng 21 trong gần bốn ngàn phòng ở nơi đây.
Đại diện văn
phòng của hãng thuốc tại Tokyo
tiếp đoàn chúng tôi trong bữa tối tại một nhà hàng ăn toàn món Tàu. Tôi tưởng
là hợp khẩu vị hơn món ăn Nhật, bữa nào cũng có cá sống, thì Huyền sẽ ăn nhiều
hơn mấy bữa trước, nhưng nó vẫn ăn rất ít.
"Mày ăn
như mèo. Sao thế?" – Tôi hỏi. "Tao ăn kiêng mà thịt da còn đẫy đà thế
này. Mày muốn tao sớm thành gái xề à? Tao mà béo quá, thằng chồng tao nó bỏ tao
ngay lập tức" – Huyền nói với vẻ nghiêm túc. Rồi nó nói nhỏ bên tai tôi:
"Bồ bịch chỉ để cải thiện cuộc sống cho vui vẻ tí thôi, chứ không thể bỏ
chồng hay để chồng bỏ. Bi kịch đấy!".
Tôi lại có
thêm một thông tin về con bạn cùng lớp ngày xưa.
Nhiệt độ trong
phòng ăn dễ chịu. Phòng lại kín. Vậy mà tôi bỗng rùng mình như vừa trúng cơn
gió lạnh.
***
Đọc chương
trình tham quan được phát trước, tôi chỉ chấm điểm cao ba lần đến thăm đền thờ.
Ngày đầu ở Fukuoka ,
chúng tôi đã đến viếng đền Dazaifu. Tới Tokyo, chuyến viếng đền Asakura Kannon
cũng đã được thực hiện.
Ở đền Dazaifu,
tôi đã thực hiện đúng các nghi thức như được hướng dẫn để cầu nguyện cho việc
học hành của con trai. Rửa sạch hai bàn tay, súc miệng ở hồ nước đáy khắc rùa
đá trước khi đến đứng sau một trong hai cái hộc đặt phía trước đền, ném vào đó
một đồng kim loại trăm Yên. Rồi vỗ tay hai cái rõ to. Rồi cầu khấn. Rồi cúi
mình lui ra. Phía trong ngôi đền thần giáo thờ học giả Sugawara Michizane – người của thế kỷ thứ IX,
những người phục vụ mặc trang phục kiểu xưa đi lại sửa sang các bàn thờ, im
lặng và thần bí!
Tôi thấy Huyền
cũng rất thành khẩn khi thực hiện các nghi thức. Nó đứng cầu khấn rất lâu, gấp
đôi những người khác.
"Mày xin
gì mà lâu thế?" – Tôi không nén nổi tò mò nên đã hỏi trên đường trở ra. "Tao
cầu may mắn cho công việc đang làm, cầu gia đạo bình yên và nhất là cầu được
dồi dào tài lộc" – Huyền đáp. "Tao hỏi thật nhé. Mày có tin chuyện
thần linh không?". "Tin chứ! Thế mày không nghe người ta tổng kết à?
Giới doanh nhân bọn mình bây giờ phải tin phong thủy, tin thần thánh. Có tin có
lành thật đấy!".
Sáng nay, ngày
cuối, theo chương trình thì sau khi ăn sáng và check out khách sạn, đoàn chúng
tôi còn đi thăm đền Meiji trước khi ghé lại trung tâm mua sắm điện máy
Akihabara. Theo thông báo của cô hướng dẫn viên người Nhật, bốn giờ chiều là
chúng tôi phải có mặt ở sân bay Narita để làm thủ tục lên máy bay về nước,
chuyến sáu giờ. Tôi háo hức chờ tận mắt xem đền thờ vua Minh Trị, người có công
cải cách nước Nhật mà từ thuở đi học trung học, tôi đã được biết.
- Đề nghị chỉ
đi mua sắm ở Akihabara thôi! Bỏ đi thăm đền Meiji.
Người đột
nhiên lên tiếng khi xe vừa lăn bánh là Huyền. Nhiều người khác hưởng ứng:
- Phải rồi!
Chương trình cho có hai giờ thì mua sắm được gì?
- Đi xem đền
gì mà lắm thế! Có gì ở đấy đâu mà xem...
Ông trưởng
đoàn hội ý với cô hướng dẫn. Rồi ông đề nghị đoàn biểu quyết bằng cách giơ tay.
Tôi liếc nhìn quanh xe: chỉ có hai ba người như tôi không giơ tay lên khi được
hỏi: “Ai đồng ý dành hết thời gian đi mua sắm?”.
“Sao mày không
giơ tay?” – Huyền hỏi nhỏ tôi. Tôi khẽ lắc đầu. Huyền lại tiếp: “Đem theo ít
tiền à? Mày đừng lo, thiếu thì cứ bảo tao. Về nhà rồi sẽ tính”.
Là khu mua sắm
điện máy nhưng Akihabara có gần như đầy đủ các loại hàng hóa. Tôi ngắm nghía
mãi rồi chọn mua chiếc đồng hồ chạy bằng năng lượng mặt trời kiểu mới nhất làm
quà cho con trai. Sau nữa là mấy món đồ kỷ niệm như búp bê Nhật, giá chỉ trên
dưới 1000 Yên, để làm quà cho bạn bè chung cơ quan. Quà cho người thân trong
gia đình, tôi xuống tầng hầm mua mấy hộp bánh Nhật với kiểu dáng lạ mắt.
Tôi mất đúng
một tiếng đẻ mua sắm. Khi đến chỗ hẹn ở một cửa ra vào, tôi không thấy ai trong
đoàn. Một tiếng nữa trôi qua trong sự sốt ruột của tôi, vẫn chưa thấy người nào
xuất hiện. Mãi thêm nửa tiếng sau mới có một bác ở đoàn Bắc ra, nhưng không
đứng lại chờ mọi người cùng tôi mà chỉ gửi đồ để đi xem hàng tiếp. Tôi chỉ biết
gượng cười...
Mười hai giờ
đúng, thời hạn ông trưởng đoàn đưa ra, mọi người mới lục tục kéo đến chỗ hẹn. Tay ai cũng lỉnh kỉnh đồ đạc trong những cái túi xốp có
in đủ thứ nhãn hiệu, vài người mua va li rồi bỏ đồ vào trong. Huyền sắm những
hai cái va li, kéo một và nhờ ông trưởng đoàn kéo một. Nó nói với mọi người:
- Quý vị thấy
chưa! Tôi mua sắm rất gọn gàng! Một cái tặng ông xã. Một cái tặng con em gái. Hết!
Ông trưởng
đoàn nói tiếng Việt mới học được:
- Nhưng nó
nặng lắm!
Lúc lên xe,
Huyền hỏi tôi sao mua ít thế. Rồi nó kể:
- Hàng tao sắm
để cả trong hai cái va li. Quà cho thằng đàn ông của tao, quà cho mấy sếp trong
công ty, quà cho mấy đứa nhân viên ruột, cả quà cho mấy sếp ô dù của tao nữa...
Không có không được... Mà quà của các sếp đều có giá trên chục ngàn yên cả đấy!
Tôi nói rất ít
suốt đường đi từ nhà hàng ăn trưa đến sân bay Narita. Còn Huyền thì huyên
thuyên suốt. Nó nói chuyện sẽ phải tính toán xem những khoản nào có thể đưa vào
thanh toán của công ty, khoản nào phải trả bằng tiền túi. Gần đến sân bay, nó
còn nói nhỏ bên tai tôi chuyện về đến Nội Bài nửa đêm rồi về đến nhà, không
biết “thằng đàn ông” xa vợ mấy ngày có “tha” cho không? Tôi đau đớn tự hỏi bây
giờ Huyền còn là một dược sĩ hoạt động chuyên môn là chính như tôi, hay nó đã
hoàn toàn biến thành một doanh nhân, mà còn thuộc loại thực dụng?
Chúng tôi chia
tay sau khi check in xong. Hai đoàn ra hai cửa để đáp hai chuyến bay khác nhau.
Huyền ôm lấy tôi siết chặt:
- Về đến nhà,
mày gọi điện cho tao ngay nhé!
- Ừ!
Tôi đáp mà cảm
thấy như mình đang nói với ai đó, một người hoàn toàn xa lạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét