Vì sao nói “chà bá lửa”?
Nhiều năm
nay, chưa biết rõ khởi điểm bao giờ, hai tiếng “chà bá” đã lưu hành trong khẩu
ngữ người Việt để diễn đạt cái nghĩa đã được diễn đạt bằng những lối nói cửa
miệng quen thuộc khác như to đùng, bự tổ chảng, khủng...
Nghĩa là hai tiếng “chà bá” đã được dùng một cách “từa lưa hột
dưa”... Gần đây, nó đã đi vào... thương nghiệp, cụ thể là lĩnh vực nước giải
khát, mà đại biểu có lẽ là “ngành nước mía” với những bảng giá kiểu “ly chà bá
3.000 đồng”, như có thể thấy trong bài phóng sự “Nước mía ‘chà bá’, khổng lồ
tràn vỉa hè Sài thành” trên Vietnamnet ngày 28-5-2014.
Hai tiếng “chà bá” do đâu mà ra? Tiếng Quảng Đông có hai từ “tài
pả”
[大 把] có nghĩa là khối, cả đống, có vỏ ngữ âm na ná nhưng xét cả về mặt
này lẫn mặt ngữ nghĩa thì chúng tôi cho rằng đây không phải là nguyên từ (= từ
gốc) của “chà bá”. Trong tiếng Việt miền Nam, thỉnh thoảng ta bắt gặp một từ
gốc Khmer và chúng tôi cho rằng “chà bá” chính là một từ như thế.
Tiếng Khmer
có từ “cho-băs” (ghi theo Từ điển Khơme - Việt của Hoàng Học, tập 1, NXB Khoa
học Xã hội, Hà Nội, 1979, trang 355). Từ này có nghĩa là “rõ ràng” và chúng tôi
suy ra rằng ở đây ta một sự chuyển biến ý nghĩa như sau: rõ ràng → to đến mức mắt không thể không nhìn thấy → chà bá. Còn “lửa” là yếu tố thêm vào (thành
“chà bá lửa”) để chỉ mức độ mà có tác giả gọi là cực cấp, như trong “bà chằn
lửa”.
Xin nêu vấn đề như trên để chờ ý kiến trao đổi của các bậc thức
giả.
AN CHI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét