Patrick Modiano, người ghép
những mảnh vỡ ký ức của lịch sử
Ngày 9-10, nhà văn Pháp Patrick Modiano đã trở thành chủ
nhân của giải Nobel Văn chương 2014. Theo Ủy ban trao giải Nobel, các tác phẩm
của ông Patrick Modiano luôn khắc họa những nghệ thuật ký ức gợi lên từ những
số phận nghiệt ngã và bóc trần thế giới đời sống không hoàn mỹ.
Patrick Modiano,
sinh năm 1945, tại Pháp, trong một gia đình người Do Thái. Ông không theo học
đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học và bắt đầu viết văn từ năm 1967.
Ông cũng trở thành nhà văn người Pháp thứ 11 đoạt giải thưởng văn học danh giá
này.
(TNO) Trong “Phố của những cửa hiệu u
tối”, Patrick Modiano viết: “Cậu có lý khi nói với tôi rằng trong cuộc đời,
không phải tương lai, mà quá khứ mới là đáng kể.” – Nhân vật trưởng văn phòng
thám tử Hutte nói với cậu Guy Roland như vậy.
Giải Nobel cho 45 năm cầm bút
Và tác phẩm của
Patrick Modiano cũng như vậy, đó là nơi con người giống một con vụ, sau
cuộc xoay mòng mòng bất định của lịch sử, chiến tranh, của thời gian nước Pháp
rã mình trong cuộc Thế Chiến II, phải đi thu gom chính mình trong từng mảnh ký
ức đã mất trong thời gian, vương vãi thành từng mẩu nhỏ.
Tất cả các tác phẩm
của Modiano đều lấy bối cảnh nước Pháp bị pháp xít Đức chiếm đóng (1940 –
1944), vì vậy việc xác định vai trò cá nhân trong lịch sử còn làm cho đề tài
tác phẩm của ông được mở rộng ở khái niệm: con người và thời gian. Con người
của Patrick Modiano đi bộ trong lòng lịch sử của chính nơi họ sống, mang theo
vết thương của quá khứ, tìm cách gọi tên chúng và nhận dạng lại chính mình.
Ở Modiano ta bắt gặp
một sự truy nguyên về thời gian, tìm kiếm cho bằng được mọi góc cạnh của bản
thể con ngưuời. Nói như Milan
Kundera trong tác phẩm “Bức Màn” (Le Rideau) : Khi chúng ta sinh ra đời thế
giới đã chạy đến với chúng ta bằng một bộ mặt được trang điểm. Vì vậy, nhiệm vụ
của nhà văn phải xóa bỏ bức màn ngăn cách giữa con người với thế giới.
Khi ra mắt quyển
“Quảng trường ngôi sao” (1968) Patrick Modiano đã tiên nghiệm thành công về sự
hiện hữu vô nghĩa của con người: Raphael Schlemilovitch đã boăn khoăn về “căn
cước” của bản thân mình tới mức phải quay cuồng trong cuộc sống thật và cuộc
sống hoang tưởng.
Ngay sau đó, “Những
đại lộ ngoại vi” (1975) đã khẳng định thêm một lần nữa việc viết về thời gian,
những dấu lẩn khuất mà con người đã bị lãng quên đâu đó hay bị bỏ rơi như một
“định mệnh” của ông. Câu chuyện kể về nhận tôi đi tìm lại cha của mình. Tác phẩm
đã tạo ra 2 tầng thời gian kể truyện đan xen nhau giữa hiện tại và quá khứ theo
một kết cấu ngược. Nhân vật tôi đã đi từ già cho đến trẻ và quay ngược lại với
thời gian sống hiện tại. Một cuộc gặp gỡ kéo dài trong vòng 10 năm, kẻ từ khi
người cha bước lên tàu điện ngầm.
Khi nhận giải Nobel,
Patrick Modiano nói “Tôi có cảm giác mình đã viết cùng một quyển sách trong
suốt 45 năm qua” – như sự ghi nhận của Viện Hàn âm Thụy Điển về con đường
ông đã miêu tả về cách người Do Thái, chủ nghĩa Phát Xít, hội chứng sau chiến
tranh, tất cả chỉ bằng cách kể chuyện tự nhiên, như cách người ta đi lại hàng
ngày, sống bình thản, đánh mất điều gì đó và đi tìm. Ông không mô tả cái hãi
hùng của lò thiêu người hay những cuộc bắn giết tập thể, ông đi tháo lắp cảm
xúc và trí nhớ của những người đã từng buộc phải bước qua thời đại ấy.
… lắp lại mảnh vỡ ký ức của lịch sử
Tác phẩm “Phố của
những cửa hiệu u tối” có “màu” của một câu chuyện trinh thám. Anh chàng Guy
Roland từ biệt người bạn già thám tử, đứng ở cửa tiệm café – và biết rằng cái
phần hiện tại của anh – một con người mất trí nhớ, kể từ giờ phút đó đã phải
bắt đầu lại từ con số 0 tròn trĩnh.
Guy Roland đã đi hỏi
từng người, gặp người Nga di trú có cái tên cực kỳ xa lạ trong bức ảnh, truy
tìm cô gái lạ sau vài lời hướng dẫn, đi đến ngôi biệt thự đã bị niêm phong,
nghe người quản gia già kể về “cậu Freddie” và cô gái chơi bi-a rất giỏi nào đó.
Ký ức của Guy
Roland, giống như mảnh vụn đã bị đập bể ra, đưa cho mỗi người giữ một phần, rồi
đi khắp thế giới, méo mó, chuếnh choáng. Người chết đi, người già, người rời
nước Mỹ, người đã nhảy cầu tự vẫn…
Cái khao khát tìm
được chính mình càng ngày càng trở nên hỗn loạn hơn trong Guy Roland, khi anh
tìm thấy những cái tên “có thể là mình” – có thể là Howard de Luz, có thể là
Pedro, hay Stern hay McEvoy – với những chớp lòe của ký ức bật dậy, như một
buổi tối vui vẻ chơi bi-a hay những tháng ngày hạnh phúc trong căn họ mượn của
người thợ may, hay trong căn nhà tên “Thập tự phương nam” – nơi Roland đã từng
hạnh phúc với một cô gái nào đó mà anh không còn quen biết nữa.
Cái khao khát tìm
kiếm chính mình của Roland phình ra theo những bức ảnh cũ của những người Nga
di trú nghèo khổ, dấy lên trong anh những cơn rúng động bất an về cái
thời điểm năm 1942-1943 kỳ lạ, khi nước Pháp (cũng như anh) đang triền miên
trong cuộc thống khổ của Thế Chiến II.
Mỗi lần đọc lại câu
chuyện này, tôi lại có cảm giác phải chăng cái lịch sử ấy đã bóc gỡ người ta
khỏi mái nhà mình, quăng quật họ vào nhau cho tan tành ra, rồi tái cấu trúc họ
thành một định mệnh mới. Nếu không có thế chiến, sẽ chẳng có cuộc kết hôn bẽ
bàng nào được thốt ra vì nàng muốn có hộ chiếu Mỹ. Nếu không có ao ước trốn
khỏi biên giới Pháp qua vùng trời khác, sẽ chẳng có một Guy Roland mất trí và
cô gái Denise không còn hiện hữu trên đời. Nước Pháp xinh đẹp cho những tình
yêu miên man đã bể nát dưới bóng dáng của những sĩ quan người Đức. Nếu không có…
Mình có thể nói bao
nhiêu câu “nếu không có” cho những cuộc đời đã vụn ra rồi trộn vào nhau. Bằng
cách nào đó, cái quá khứ kia, dù vô nghĩa đến mức là chẳng còn người yêu nào
đợi mình về nữa (như Guy Roland đã kịp nhớ ra Denis cũng đã bị vứt lại đâu đó trên
núi ngày tuyết rơi) thì anh vẫn phải đi tìm, mải miết từng cuộc gọi, đắn đo gõ
cửa từng nhà, gặp từng người.
Thứ anh đi tìm, cũng
giống như thứ mà bất cứ bản năng con người nào cũng đi tìm, là được thấy rõ
chính mình trong quá khứ. Cái quá khứ ấy đã tạo sinh họ, đã cấu thành hiện tại
này, chứ không phải một số 0 tròn trĩnh sẽ tạo ra sự sống.
Những gì Patrick
Modiano kể nằm đầy rẫy trong các căn gác, hẻm trọ, phòng khách sạn, bờ biển… ở
nước Pháp đâu đó, nơi nhiều người dù muốn hay không, đã nhớ mình có một thời
trẻ lưu lạc, bất an, cuồng nộ trong một châu Âu ngạt thở vì phát xít Đức. Trong
đó, có những giọt nước mắt của người Nga di trú, có sự hoảng loạn của cậu trai
nói tiếng Pháp giọng Anh, và cuộc bày trò làm hộ chiếu công vụ Dominica cho cả
đám cùng nhảy tàu trốn về nơi an bình.
Nhưng họ không trốn
được. Lịch sử đã nghiến nát họ. Và Patrick Modiano đi nhặt từng mảnh vỡ ấy…
ghép lại theo cách ông từng dẫn lại trong một câu Phúc Âm: “Mọi con người trong
đêm tối của mình đều đi về phía ánh sáng.”
Duy Kỳ - Khải Đơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét