Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

TÁC GIẢ TÁC PHẨM (6)

Trước hết là lao động chữ


Lê ViỄn Phương

Giúp người đọc tránh được những ngộ nhận cũng như loại bỏ những nghi ngờ về các giá trị có thực của thơ hiện đại là một điều cần thiết. Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng của Nguyễn Đăng Điệp là một trong số những công trình như thế.
Nhà thơ đương đại dường như đang cố gây hấn với người đọc bằng những thử nghiệm của họ và ngược lại, người đọc cũng đang đặt ra những hoài nghi đối với cái được gọi là nghệ thuật của chính người làm thơ. Những câu hỏi mà ngày nay người đọc thường đặt ra đối với thơ ca đương đại là: thế này cũng được gọi là nghệ thuật ư? Rốt cuộc cái đẹp nằm ở đâu? Nếu nghệ thuật mà như thế thì bất cứ ai cũng có thể làm được nghệ thuật? Nếu không khéo giải quyết những vướng mắc đó thì có thể thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung sẽ trở nên lâm nguy.
Sự chuyển đổi về hệ hình không phải là nhanh chóng. Đó là cả một quá trình dài lâu, trong đó có sự kế thừa và sự bội ước của hệ hình mới với những khuôn mẫu, lề thói của hệ hình cũ. Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: Những đổi mới thực thụ trong lĩnh vực nghệ thuật bao giờ cũng gắn liền với sự đổi mới về hệ hình tư duy (paradigm), về cách nhà thơ khám phá, thụ hưởng và biểu đạt thế giới… Hệ hình tư duy mới luôn chứa đựng trong nó những cái nhìn mới và cách suy tư khác về sự hiện hữu. Và hơn hết, trong cái nhìn của Nguyễn Đăng Điệp thì hệ hình mới sẽ có một hình thức tổ chức diễn ngôn mới. Đó là sự hợp thành của ngôn ngữ, cấu tứ, bút pháp, giọng điệu với nội dung tư tưởng của người làm thơ. Thiếu sự kết hợp này thơ sẽ tự nó đi tới những giới hạn: thơ sẽ thiếu sự khai phá về hình thức thể hiện, không đưa ra được những kiểu thực hành thơ khác biệt so với hệ hình trước và nếu chỉ chăm chú quá mức về hình thức thì tất yếu thơ sẽ trở nên vô cảm xúc, thiếu giá trị biểu nghĩa thực sự.

Dựa trên những căn bản về lý thuyết hệ hình, Nguyễn Đăng Điệp đưa ra những lý giải về sự biến đổi của thơ ca hiện đại Việt Nam từ Thơ mới cho đến hậu hiện đại. Theo nhà nghiên cứu này, dường như sự thay đổi của thơ ca trong tiến trình biến đổi lịch sử của chính nó được thể hiện rõ nhất qua các phương diện: Từ mô hình phản ánh hiện thực đến mô hình suy tư về hiện thực, từ hiện thực biết trước đến “hiện thực của giấc mơ” nhòe mờ bất định; từ cái tôi cá nhân đến cái tôi trữ tình công dân thời kháng chiến và cái tôi bản thể đa tầng trong thơ đương đại; từ ngôn ngữ “trong suốt” đến ngôn ngữ “mờ đục”; từ sự đan cài giữa phong cách cao sang và phong cách suồng sã bình dân; từ độc thoại đến đối thoại; từ xác tín đến hoài nghi… Những thay đổi này luôn nằm trong sự va đập về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội cùng với sự va đập trong chính nội giới của nghệ sỹ khi họ bị quẳng ném vào thế giới và bị/được trở thành những kẻ liên can và nhập cuộc với thế giới, họ không có khả năng và quyền hạn để vượt ra được sự liên can này.
Qua Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng, chúng ta có được một cái nhìn mang tính tổng quan về những bước đi của thơ ca hiện đại nhưng bên cạnh đó, người đọc cũng nhìn thấy những lý giải sâu sắc và nghiêm xác về các hiện tượng thơ, khuynh hướng thơ tiêu biểu của mỗi giai đoạn lịch sử. Việc nhìn nhận của tác giả không theo lối cũ mòn mà luôn dựa trên những hệ thống lý thuyết mới để nhìn nhận, khai phá những bề khuất lấp trong các hiện tượng, tránh lối viết cảm tính thường thấy trong phê bình văn học trước đây. Ví dụ, ngày nay nếu nhìn Thơ mới về phương diện tư tưởng, bút pháp thì có lẽ khó đưa ra được những cái nhìn mới mẻ và mang tính phát hiện. Vì thế Nguyễn Đăng Điệp đã đứng trên lý thuyết sinh thái học (ecology), một học thuyết nghiên cứu về nơi sinh sống của sinh vật, và đối tượng nghiên cứu của bộ môn này là tất cả các mối tương tác giữa cơ thể sinh vật và môi trường. Đây là một hướng đi mới mẻ và đầy hứa hẹn cho nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Bằng sự rọi chiếu của lý thuyết sinh thái học, Nguyễn Đăng Điệp đã làm rõ những vấn đề mang tính phát hiện của cá nhân tác giả trong sự truy tìm những khía cạnh mới của Thơ mới như: Tấm mạng sinh thái trong Thơ mới Việt Nam; Vạn vật hữu linh trong Thơ mới…
Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng cũng là một bức tranh phục dựng những giá trị thơ mà vì những lý do nằm ngoài văn chương nên người ta đã nhìn không được đủ đầy và công tâm. Một trong những giá trị ấy nay được Nguyễn Đăng Điệp nhắc tới chính là thơ của Trần Dần, người đã vắt kiệt mình vì muốn tạo ra một thứ quả lạ trong thơ và phải chịu nhiều cay đắng từ thứ quả “trái mùa” ấy. Nói về Trần Dần, Nguyễn Đăng Điệp cho rằng đây là một nhà thơ có ý thức lao động thơ trước hết là lao động chữ. Cho đến nay, ý thức về lao động thơ trước hết là lao động chữ không nhiều ở người làm thơ nước ta. Có vẻ người làm thơ hiện nay chưa thực sự ý thức được vai trò của ngôn ngữ trong việc sản sinh ra hữu thể, chứa đựng hữu thể. Nhà thơ muôn đời là những kẻ canh giữ ngôi nhà của hữu thể bằng chính ngôn ngữ của mình theo như tư tưởng của triết gia Martin Heidegger. Ngày nay, trước sự lên ngôi của triết học ngôn ngữ, người ta ý thức rằng ngôn ngữ không chỉ dừng lại ở chức năng là phương tiện của nhà thơ mà chính ngôn ngữ có vai trò sản sinh ra những vật thể giả tạo, những bản thế vì, nó chính là ngôi nhà của sự tồn tại và là đôi cánh để khai sinh ra những kiểu dạng hiện thực khác, hiện thực nằm ở phía bên kia của lý tính. Vì ý thức được điều này nên thơ của Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Giáng… thoát ra khỏi sự trơ nghĩa, nghèo nàn. Thơ của họ là những thử nghiệm táo bạo về hình thức nhưng đồng thời cũng là những quảng diễn về tư tưởng của thi sỹ, của những kẻ mang khát vọng kiến thiết lại ngôi nhà của hữu thể. Sự thiếu giá trị biểu đạt, sự trống rỗng của thơ ca mang lốt cách tân hiện nay cũng đến từ sự chưa ý thức được những điều nói trên. Có thể sẽ có một tương lai què quặt của thi ca đương đại nếu người làm thơ ngày nay cứ trượt trôi đi trong những kiểu bắt chước phương Tây nhưng thiếu căn nền trầm trọng.
Thơ Việt Nam sau 1975 cũng dần trôi vào cảm thức hoài nghi khi nhà thơ biết rằng cảm hứng sử thi chỉ là những gam màu của quá vãng. Điều này được Nguyễn Đăng Điệp làm rõ trong tiểu luận Thơ Việt Nam sau 1975 - Một cái nhìn toàn cảnh. Trong cái nhìn của nhà nghiên cứu này thì thơ ca giai đoạn này có sự chuyển đổi rất lớn về tư duy nghệ thuật. Các nhà thơ chuyển từ “bè cao” sang “bè trầm”. Cái nhìn sử thi đã phai nhạt và thay vào đó là cái nhìn phi sử thi… Đặc biệt, từ sau 1986 ý thức cởi trói trong thơ được xác quyết một cách mạnh mẽ, từ đó sản sinh ra nhiều quan niệm mới về thơ, về cả tư tưởng cũng như cách thực hành thơ. Từ đây ý thức nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tỉnh táo và thơ ca hiện ra như một hình thức tra vấn không ngừng về lịch sử. Tiếp đó là nỗ lực khám phá sự phong phú của cái tôi ẩn giấu dám phơi bày những bi kịch nhân sinh hoài nghi những giá trị vốn đã ổn định để đi tìm những giá trị mới… Giờ đây, nhà thơ hoan hỉ lao vào khám phá nội giới của mình, trình ra những bề khuất lấp của cảm thức cá nhân bị đè nén bấy lâu. Và có lẽ “giải thiêng” là trò chơi được nhiều nhà thơ tham dự. Một trong những thành tựu lớn về mặt nghệ thuật của giai đoạn này chính là nhà thơ đã ý thức được sức mạnh của ngôn ngữ khi họ xem thơ như một ngôn ngữ. Sự thay đổi lớn trong cách thi sỹ nhìn về thế giới đã làm nở rộ các khuynh hướng thơ khác nhau. Trước hết đó là xu hướng viết về chiến tranh qua những khúc ca bi tráng về số phận của dân tộc. Tiếp đó là xu hướng trở về với cái tôi cá nhân, những âu lo của đời sống thường nhật. Tác giả cho rằng đây là xu hướng nổi bật nhất của thơ ca sau 1975. Khi nhà thơ tự do đi vào thế giới bên trong và choáng ngợp bởi sự vô tận của thế giới ấy thì họ tự nhận thấy giới hạn của lý tính trong việc lý giải và nhận thức ngay chính bản thân con người.
Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng thông qua các tiểu luận và những bài viết đi vào thế giới của những sinh thể thi ca như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận, Trương Đăng Dung… và những điểm xuyết sơ qua về nhóm Ngựa Trời… đã trực tiếp bàn về vấn đề cái mới trong sáng tạo. Trước hết, theo tác giả thì không phải cái mới nào cũng hay nhưng chắc chắn, cái hay nào cũng mới. Nguyễn Đăng Điệp cho rằng cái mới trong thơ trước hết nằm ở cách quan niệm mới của nhà thơ, ở khả năng đổi mới cảm xúc và chiều sâu lý giải thế giới. Ở đây, cái mới luôn gắn liền với cái lạ và cái khác biệt cùng với những điều đó là sự biến thiên không ngừng của chính những cái lạ.
Một trong những điều đáng chú ý trong công trình này mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc chính là những âu lo về văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc thơ nói riêng. Suy cho cùng, dù thơ có được sáng tạo theo hệ hình lý thuyết nào đi chăng nữa thì mối quan hệ giữa người tiếp nhận và văn bản tác phẩm luôn là một vấn đề được giới phê bình quan tâm. Dựa trên những kiến văn mang tính hàn lâm nhưng không ngừng gây hấn như lý thuyết liên văn bản (intertextuality) của Julia Kristeva, sự tuyên bố của Roland Barthes vềcái chết của tác giả… Nguyễn Đăng Điệp đi vào phân tích những thay đổi trong mỹ học tiếp nhận của hiện đại và hậu hiện đại. Mối quan hệ giữa người đọc và tác phẩm thơ hiện nay theo nhà nghiên cứu này thì đang vấp phải những thách thức. Thậm chí trước những vấn nạn của sự thức nhận vai trò của nghệ thuật đối với con người như ở nước ta thì sẽ có nguy cơ dẫn tới cái chết của người đọc. Đây là một thực trạng có căn nguyên từ nhiều hướng, trong đó sự đánh mất ý thức về vai trò của văn hóa đọc đối với sự khai minh của xã hội ở nước ta hầu như không được xem trọng.
______________

Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng của Nguyễn Đăng Điệp, NXB Văn học, 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét