Cớ
sao gọi người Trung Quốc là “Tàu”!
AN CHI
Một số
người nghĩ đơn giản rằng sở dĩ ta gọi người Trung Quốc là “Tàu” bởi vì họ sang
ta bằng “tàu”! Từ nguyên học đâu có dễ dàng và ngộ nghĩnh như thế.
Tàu là một yếu tố Hán cổ và trong tiếng Hán cũng như tiếng Việt còn
có nghĩa là “xe”. Tàu (trong tàu bè) là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ
ghi bằng chữ 艚 mà âm Hán
Việt hiện đại là tào, có nghĩa là “thuyền”. Chữ tào 艚 này cũng thông với chữ tào 漕, mà theo biện luận của Lưu
Quân Kiệt trong Đồng nguyên tự điển tái bổ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh,
1999) thì đều còn có nghĩa là “xe”. Cái nghĩa “xe” của từ tàu vẫn hiện hành
trong tiếng Việt. Cứ so sánh tiếng Bắc, tiếng Nam thì thấy ngay. Cái mà trong Nam gọi là tàu
thì ngoài Bắc gọi là thuyền. Rồi ngoài Bắc gọi là tàu hỏa thì trong Nam gọi là xe
lửa. Thế là cái nghĩa “xe” đã thấp thoáng trong danh ngữ tàu hỏa (nếu không đi
sâu vào từ nguyên thì dễ hiểu lầm đây là cách dùng theo ẩn dụ). Rồi ngược lên
đầu thế kỷ XX, cả trong Nam
ngoài Bắc đều gọi máy bay là tàu bay. Thế là cái nghĩa “xe”, mở rộng là “phương
tiện chuyên chở”, đã nằm ngay trong danh ngữ tàu bay. Cho nên, trong thành ngữ
tàu bay tàu bò thì cả hai thứ “tàu” này chẳng qua đều cùng là “xe”. Vậy thì có
lẽ ta sẽ biện luận rằng vì ngày xưa Tàu sang ta bằng xe nên tổ tiên ta đã gọi
họ là “Tàu” chăng? Nên nhớ rằng họ đã sang ta từ xưa và sang thành nhiều đợt,
lẻ tẻ có, thành đoàn có và đây là cả một câu chuyện dài.