Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

DỌC ĐƯỜNG VĂN (11)

Những lỗi cẩu thả trong

dự án sách 240 tỷ đồng



Sự nhầm lẫn về từ ngữ, lối diễn đạt tối nghĩa, cách sử dụng logo nhà xuất bản tùy tiện... được phát hiện trong các sách thuộc dự án "Công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam".
Tháng 12/2008, dự án "Công bố phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam" được Chính phủ phê duyệt, giao cho Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam làm đầu mối thực hiện. Dự án đã hoàn thành giai đoạn một (2008 - 2012) với 1.000 tác phẩm của hơn 600 tác giả.
Giai đoạn hai (2013 - 2017) dự kiến công bố 1.500 tác phẩm, công trình nghiên cứu. Ông Đoàn Thanh Nô - Giám đốc Văn phòng dự án - cho biết, đây là dự án sách lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Nhà nước đã đầu tư 90 tỷ đồng (giai đoạn một) và 150 tỷ đồng (giai đoạn hai) để thực hiện.
Theo đó, mỗi đầu sách sẽ được in 2.000 cuốn, tặng cho các thư viện trên cả nước, bao gồm các thư viện quận, huyện, tỉnh thành, trường học... Hiện tại, nhiều tác phẩm đã có mặt ở các thư viện trên, tuy nhiên, không ít sách trong dự án trọng điểm với vốn đầu tư lớn này mắc những lỗi cẩu thả, không đáng có.

Trước hết, những sai sót trong khâu trình bày như việc gắn sai logo dẫn tới khó xác định đơn vị xuất bản sách. Ví dụ, cuốn So sánh và ẩn dụ trong ca dao trữ tình của người Việt dưới góc nhìn ngôn ngữ - văn hóa học của tác giả Hoàng Kim Ngọc, đề tên Nhà xuất bản Lao Động, nhưng lại gắn logo của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ở gáy sách.
Sự cẩu thả còn thể hiện ở những chi tiết nhầm lẫn về chính tả, đánh máy khi làm sách. Ví dụ trang xi nhê cuốn Văn học dân gian Ê Đê, Mơ Nông có ghi thông số nộp lưu chiểu vào "quý II năm 20121".
Một số cuốn sách có chất lượng in thấp, hình ảnh minh họa thiếu độ sắc nét, mờ, nhòa do ảnh bị phóng to quá kích cỡ thực tế. Ví dụ, trong cuốnCon ngựa trong văn hóa người H’Mông Bắc Hà - Lào Cai, bức ảnh in chất lượng thấp, hình ảnh nhòe nhoẹt. Cuốn Văn học dân gian trong nhà trườngcũng in chữ mờ nhòe. 
Trong các cuốn sách, người đọc có thể phát hiện những lỗi về chữ nghĩa thể hiện sự qua loa trong khâu biên tập nội dung. Có thể dẫn ra một đoạn diễn đạt lủng củng, tối nghĩa ở "Lời nói đầu" cuốn Văn học dân gian của người Cờ lao đỏ (tác giả Hoàng Thị Cấp, NXB Văn hóa Thông tin): "Điều cần nói là: Tại xã Xính Lủng, huyện Đồng Văn là đại diện cho người Cờ Lao trắng và xanh sinh sống ở các huyện phía bắc của tỉnh thì những người được giới thiệu là biết, khi chúng tôi đến gặp để khai thác, họ rất nhiệt tình kể, hát nhưng không phải là bằng tiếng nói của tộc người mà là bằng tiếng Việt".

Trao đổi với VnExpress về những sai sót trên, ông Đoàn Thanh Nô nhận định, đó chỉ là những lỗi kỹ thuật phạm phải trong quá trình thực hiện. Theo ông Nô sách được làm theo đúng quy trình xuất bản, hàng năm có kiểm toán tới kiểm tra tài chính. Ông cho rằng, do dự án sách quá lớn, nhiều đầu sách nên việc để xảy ra lỗi kỹ thuật là điều không tránh khỏi. 
Ông Đoàn Thanh Nô cho biết thêm nếu có sự phát hiện, phản ánh sai sót nào, phía thực hiện dự án sẽ cho kiểm tra. Tùy mức độ sai sót của lỗi, những người thực hiện sẽ đính chính, sửa chữa hoặc thu hồi sách.

Lam Thu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét