Địa danh ở Nam Bộ nhìn từ
phương
diện ngôn ngữ
Cao TỰ Thanh
Nhìn từ phương diện ngôn ngữ, hệ thống địa danh Nam Bộ chủ yếu bao
gồm các địa danh gốc Việt, gốc Việt Hán, gốc Khmer Việt hóa, trong đó mảng địa
danh hành chính thời phong kiến phần nhiều là từ Việt Hán hay được Việt Hán hóa
để đáp ứng các yêu cầu chuẩn hóa trong công văn của chính quyền. Bài viết này
đi vào tìm hiểu nguồn gốc và cách thức hình thành các loại địa danh đó.
Hình thành và phát triển trên một địa bàn có hoàn cảnh địa lý và
lịch sử mang nhiều nét đặc thù, các địa danh Việt Nam
ở Nam
Bộ cũng phản ảnh một lịch sử văn hóa đặc biệt. Phương thức hội tụ ở một địa bàn
đa dân tộc có sự giao tiếp nội bộ mạnh mẽ trên nền tảng đều kiện giao thông
thuận lợi và kinh tế hàng hóa phát triển đã dẫn tới việc hình thành hệ thống
địa danh phong phú mà phức tạp ở vùng này.
Nhìn từ phương diện ngôn ngữ, hệ thống địa danh Nam Bộ chủ yếu bao
gồm các địa danh gốc Việt, gốc Việt Hán, gốc Khmer Việt hóa, trong đó mảng địa
danh hành chính thời phong kiến phần nhiều là từ Việt Hán hay được Việt Hán hóa
để đáp ứng các yêu cầu chuẩn hóa trong công văn của chính quyền, vì lúc ấy
người Việt vẫn dùng chữ viết Hán Nôm. Việc Việt Hán hóa này phát triển mạnh từ
đầu thế kỷ XIX, sau khi đất nước được thống nhất trở lại và dần dần được chuẩn
hóa dưới đời Minh Mạng (1820 – 1840). Nhưng việc Vũng Tàu thành Thuyền Úc, Hòn
Đất thành Thổ Sơn, Tháp Mười thành Thập Tháp, Thang Trông thành Vọng Thê, Gò
Đen thành Ô Nguyên rồi Hắc Khâu, sông Bến Lức thành Lật Giang, Mặt Dòn thành
Hầu Diện, thậm chí rạch Mỏ Cày cũng trở thành Lê Đầu tiểu giang (Lê = cái cày,
Đầu = mỏ) đã làm không ít nhà nghiên cứu bối rối. Trong quyển Cours
d’histoire annamite (à
l’usage des écoles de la Basse – Cochinchine) viết lại lịch sử Việt Nam bằng
tiếng Pháp khoảng 1877, Trương Vĩnh Ký đã chép lại các địa danh Khố Sơn tức núi
Kho ở Bình Định, Chủ Sơn tức núi Chúa ở Phú Yên bị các sử thần nhà Nguyễn Việt
Hán hóa kiểu này, nhưng vì bản in tiếng Pháp không có dấu thanh điệu nên các
địa danh nói trên đã biến thành Khô Sơn, Chu Sơn… Tuy nhiên việc dịch ra chữ
Hán các địa danh thuần Việt như vậy còn ít nhiều có nguyên tắc để người ta có
thể truy nguyên, chứ trong nhiều trường hợp ghi lại các địa danh gốc Khmer Việt
hóa bằng chữ Nôm thì ngay cả người bản địa cũng có khi chết dở, như Ca Mao ghi
âm Cà Mau, Sa Đích ghi âm Sa Đéc, Thuyết Nột ghi âm Thốt Nốt,…
Cũng phải kể tới mảng “chữ Nôm của người Hoa” để ghi âm các địa
danh thuần Việt như Tây Cống (đọc như Xì Coóng) để ghi âm Sài Gòn, Thủ Long Mộc
(đọc như Thủ Lùng Mục) để ghi âm Thủ Dầu Một, Ná Điều (đọc như Lá Thèo) để ghi
âm Lái Thiêu, Đầu Đốn (đọc như Tàu Túng) nửa ghi âm nửa dịch địa danh Vũng Tàu.
Lối nửa dịch nửa ghi âm này cũng khá phổ biến trong thư tịch Hán Nôm của người
Việt nên Rạch Giá thành Giá Khê (Giá = Giá, Khê = Rạch), Quãng Dài thành Trường
Uyển (Trường = Dài, Uyển = Quãng), cầu Biện Trẹt thành Biện Kiều. Trong một số
trường hợp, các địa danh được văn bản hóa kiểu này còn bị sai lệch bởi ngữ âm
Nam Bộ, như Nước Xoáy được dịch là Hồi Oa trong các văn bản chữ Hán, nhưng
trong các thế kỷ trước người Việt ở Nam Bộ thường đọc “hoa”, “qua”, “oa” thành
một âm mài mại như “qua” duy nhất, nên có khi Hồi Oa bị ghi là Hồi Qua trong
các văn bản quốc ngữ Latin. Đây là chưa nói tới các văn bản tiếng Pháp cũng làm
sai lệch một số địa danh Nam Bộ, như Đất Hộ thành Dakho rồi Đakao, Chí Hòa
thành Cihoa rồi Kỳ Hòa,…
Ngoài ra cách đọc âm Việt Hán chịu ảnh hưởng Minh âm, Thanh âm của
người Nam Bộ cũng khiến nhiều nhà nghiên cứu phía bắc vốn quen đọc theo Đường
âm đọc sai các địa danh và nói rộng ra là cả nhân danh Việt Hán ở Nam Bộ, như
Phước An đọc là Phúc Yên, Nhựt Tảo đọc là Nhật Tảo, Võ Tánh, Ngô Nhơn Tịnh,
Trương Tấn Bửu đọc là Vũ Tính, Ngô Nhân Tĩnh, Trương Tiến Bảo,… Đáng tiếc là
hiện nay dường như nhiều người nghiên cứu vẫn chưa chú ý đúng mức tới những
trường hợp loại này.
Bước qua thời Pháp thuộc, khi người Việt dùng chữ quốc ngữ Latin
thì các địa danh kể cả địa danh hành chính là từ gốc Việt và gốc Khmer Việt hóa
ở Nam
Bộ tăng lên. Chữ quốc ngữ Latin đã đưa tới cách đọc thống nhất về địa danh và
cả nhân danh Nam Bộ, nên không ai lầm Hàm Luông ra Hàm Long, Huỳnh Tấn Phát
thành Hoàng Tiến Phát nữa. Nhưng mặc dù chữ Hán đã không còn được sử dụng như
chữ viết chính thức của quốc gia, song tư duy ngôn ngữ Việt Hán vẫn còn đậm nét
trong sinh hoạt xã hội, nên từ 1975 trở đi người ta thấy xuất hiện những địa
danh hành chính như tỉnh Minh Hải dù rằng không ai nói trong Hán tự thì đó là
chữ minh nào (sáng, tối, kêu, khắc,…). Ở một dạng thức khác hơn, có người lại
đi tìm hiểu ý nghĩa của những địa danh Việt Hán xuất hiện trong thế kỷ XX như
Long An, rồi kết luận Long An được viết với Long là hưng thịnh và An là yên ổn.
Tỉnh Long An được thành lập theo Sắc lệnh số 143 – NV ngày 22/10/1956 của chính
quyền Ngô Đình Diệm, muốn biết chính xác hai chữ Long An được viết bằng mã chữ
Hán nào thì phải hỏi Ngô Đình Diệm, vì trong Hán tự có ít nhất 8 chữ Long và 8
chữ An khác nhau. Cũng có thể nghĩ rằng Ngô Đình Diệm đã muốn dùng chữ Long An
với ý nghĩa hưng thịnh yên ổn, nhưng sự hưng thịnh yên ổn đối với chính quyền
Ngô Đình Diệm cũng đồng nghĩa với việc tiêu diệt hết những người kháng chiến cũ
ở Tân An và Chợ Lớn lúc ấy, vậy thì những chuyện vô vị như vậy cần gì phải thảo
luận?
Tài liệu tham khảo
1. Trương Vĩnh Ký (1877), Cours d’histoire
annamite (à l’usage des écoles de la Basse – Cochinchine).
2. Huỳnh Tịnh Paulus Của
(1895), Đại Nam
quấc âm tự vị, Impr. Rey, Curiol & Cie.
Tạp chí Văn hóa & Du lịch , số 18 (72), tháng 7.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét