BÀI VIẾT CỦA TS TRẦN THU DUNG
KHÔNG ĐỒNG TÌNH VỚI TÁC GIẢ BÍCH CHÂU
Vấn đề “Dấn thân” của nhà văn Đà Linh
(Nhân đọc bài “Biến nghịch lý trở thành chân lý!?” của tác giả Bích Châu trên tạp chí Hồn Việt, số tháng 11/2014)
TS.
TrÀn Thu Dung
(CH Pháp)
Cuộc sống vốn đa dạng, phong phú. Từ năm 1954 đến những năm cuối thập kỷ 80 (thế kỷ XX), ở miền Bắc hầu như chỉ đọc những tác phẩm hừng hực khí thế cách mạng, những người xả thân vì đất nước, quên hết chuyện riêng tư như:Sống như anh, Hòn đất, Đất nước đứng lên, Chị Tư Hậu… Ngay cả tác phẩm dịch cũng chọn lọc với những Thép đã tôi thế đấy, Một người chân chính, Thời thơ ấu của Maxim Goocky… Mới khoảng 30 năm nay mới xuất hiện vài cuốn như: Nỗi buồn chiến tranh, Ly thân… Văn học thế giới “Tư bản” gần như đóng cửa, hoặc chỉ dịch vài cuốn nổi tiếng cổ điển của Balzac, Hugo… Những năm 80 tôi về Việt Nam dạy khoa văn ở đại học, sách do các tác giả miền Nam, hay thời Tự lực văn đoàn còn nằm trong kho tư liệu, phải có giấy phép của trường mới được vào tham khảo ở thư viện KHXH. Vì thế tác phẩm của Dương Thu Hương “Bên kia bờ ảo vọng” hay truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp chào đời có tiếng vang. Cả hai tác giả cũng bị “lên bờ xuống ruộng” một thời gian.
Suốt một giai đoạn khá dài, phụ nữ Việt Nam vẫn bị kìm kẹp trong lễ giáo “phong kiến” không dám thổ lộ những điều khát vọng thầm kín. Nhiều vụ hôn nhân ra tòa cứ phải quanh co không dám nói là do “đàn
ông bất lực”, ngay cả chuyện không con đổ lỗi phụ nữ. Nạo thai phải có giấy cho phép của chồng, mất trinh là coi như hư hỏng. Thời xưa phụ nữ không chồng mà chửa là bị cạo tóc bôi vôi, thả bè trôi sông… Ngay một số phụ nữ từng sống ở thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, qua Tây Âu mà không sinh được con đã bị gia đình nhà chồng gây sức ép phải vào trại thần kinh. Chuyện sex là cấm kỵ bàn luận, nhất là phụ nữ hầu như không dám nhắc đến chuyện đó trước đám đông. Qua bên Tây Âu, mỗi buổi tụ họp là phụ nữ vẫn quẩn quanh bếp núc, đàn ông ngồi bên sa lông tán dóc, chờ các bà bưng lên ăn. Nam nữ vẫn thụ thụ bất thân. Đàn ông bàn chính trị, đàn bà bàn áo quần, và bếp núc, ăn xong cặm cụi rửa bát, lo cho các ông cà phê, trà, rượu. Nhiều ông VN khi lấy đầm thì cơm bưng nước rót cho mợ đầm, đến khi lấy vợ VN thì lại quay về tính gia trưởng, chồng chúa, vợ tôi. Phụ nữ VN bao giờ mới tự do như phụ nữ phương Tây? Bên phương Tây người ta cho tự do xuất bản, tự do viết. Người đọc tự do lựa chọn loại sách mình thích. Đà Linh cho xuất bản những cuốn sách đa dạng, việc phán xét và lựa chọn là quyền độc giả. Đó là việc tiên phong của Đà Linh khi còn công tác ở Nxb Đà Nẵng. Đấy chính là tiếng nói đa chiều trong văn học mà Đà Linh muốn đưa ra cho độc giả.
Tự do bàn luận về sex cũng chỉ là một hình thức ẩn dụ để ngầm chảy khát vọng tự do khác. Bóng đè là khát vọng đảo lộn mọi trật tự xã hội cổ truyền nặng nề vốn đè nặng lên thân phận người phụ nữ VN. Tự do ở đỉnh cao là giải phóng người phụ nữ. Tượng thần tự do cao lừng lững ở nước Mỹ thu hút hàng triệu người du lịch cũng là hình tượng người phụ nữ giương cao ngọn đuốc. Cuộc sống nhiều người bị bóng đè mà không
dám nói. Vì vậy Đà Linh dám xuất bản Bóng đè. Đó chính là sự dấn thân. Nếu Bóng đè và
một số cuốn khác không xuất bản, chắc bây giờ tác giả Bích Châu không phải tốn giấy bút để chỉ trích Đà Linh.
Nhà văn Đà Linh qua nước ngoài đều mong đi tìm những tác phẩm nước ngoài nổi tiếng và mong Việt kiều tham gia dịch để giới thiệu đến bạn đọc. Đà Linh muốn xuất bản những tác phẩm của các nhà văn VN ở hải ngoại đã phải rời bỏ đất nước trong hoàn cảnh đau đớn. Không ai muốn sống xa quê hương tổ quốc. Không ai muốn đổi quốc tịch. Ai cũng muốn tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên. Đau xót đó Đà Linh cảm nhận được và bằng công việc của người làm văn hóa, anh thể hiện mong muốn hòa hợp dân tộc, xóa đi hận thù qua việc xuất bản hay giới thiệu những người cầm bút ở hải ngoại. Đó là việc không dễ dàng. Vấn đề xuất bản đều phải qua kiểm duyệt, và không ít người cầm bút hải ngoại bị đánh dấu trong “sổ đen”. Những năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ, ngay cán bộ đi sang các nước tư bản học thêm cũng luôn bị nhắc nhở hạn chế việc tiếp xúc với Việt kiều. Khoảng những năm 2000, có mấy nhà xuất bản VN dám đi gặp nói chuyện công khai với giới cầm bút VN ở hải ngoại. Trong bối cảnh đó, việc Đà Linh dám liên hệ, đề xuất xuất bản cũng là một bằng chứng “dấn thân”.
Văn chương VN còn mờ nhạt so trên bản đồ văn học thế giới. Mặc dù Bên kia bờ ảo vọng, Tướng về hưu, Nỗi buồn chiến tranh… ít nhiều có tiếng vang nhưng nếu đem so với Những người khốn khổ, Miếng da lừa, Trăm năm cô đơn… thì chỉ là những hạt cát nhỏ chìm trong dòng thác cuồn cuộn của văn chương thế giới. Đà Linh được xem như một hiện tượng “dấn thân” trong nền văn chương VN thời mở cửa, thời @ chưa định hướng. Cần phải đánh giá đúng về sự dấn thân của Đà Linh trong bước đầu sự cởi mở của VN với thế giới bên ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét