G.G. Marquéz:
Vấn đề của mọi nhà văn là viết ra những câu chuyện có thể tin được
Gabriel José García Márquez
(1927-2014) nhà văn người Clombia, ông được trao Giải Nobel văn học năm 1982.
Márquez là chủ nhân của các tác phẩm lừng danh : Tình yêu thời thổ tả, Trăm năm
cô đơn. Ông là đại diện tiêu biểu của nền Văn học Mỹ Latin, thi
pháp tác phẩm của ông là sự kết hợp giữa các yếu tố hiện thực và hoang
đường đã tạo ra một hệ thẩm mỹ đặc biệt mà các nhà nghiên cứu, lý luận, gọi là
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magical realism), một sản phẩm đặc thù của Mỹ
Latin hiện đại. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây để bạn đọc
hiểu thêm về tác giả vĩ đại này.
Bài phỏng vấn Gabriel García Márquez
dưới đây do Peter H.Stone thực hiện và được đăng lần đầu trên tạp chí The Paris
Review, số Mùa Đông năm 1981. Trong bài phỏng vấn này, García Márquez chia sẻ
nhiều câu chuyện về hành trình đến với nghề viết văn, mối liên hệ giữa công
việc của một tác giả sáng tác hư cấu với công việc của một ký giả mà ông vẫn
luôn theo đuổi, quan niệm của ông về trào lưu “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”
vốn thường gắn liền với tên tuổi của ông, những nguồn ảnh hưởng quan trọng đến
văn chương của ông… Qua đó, có thể thấy, như hầu hết các nhà văn lớn, văn
chương của Gabriel García Márquez vừa là kết quả một sức tưởng tượng phi
thường, độc đáo, vừa luôn thể hiện một ý thức can dự vào thực tại.
*
Peter
H. Stone: Ông
bắt đầu viết như thế nào?
Gabriel
García Marquéz:
Bằng việc vẽ. Vẽ những tranh hoạt họa. Trước khi biết đọc hay biết viết, tôi đã
từng vẽ những tranh hí họa ở trường và ở nhà. Điều thú vị mà giờ tôi mới nhận
ra là hồi ở trường trung học, tôi đã có tiếng là người biết viết văn dù trên
thực tế, tôi không viết bất cứ thứ gì. Nếu cần phải viết tập san hay đơn thư gì
đó, tôi là người sẽ làm việc ấy vì tôi được mặc định như một người viết văn.
Khi vào đại học, tôi dường như đã có một nền tảng văn chương, có lẽ trên mức
trung bình so với bạn bè. Tại trường đại học ở Bogotá, tôi bắt đầu kết bạn mới
và có những mối quen biết mới, những người đã giới thiệu tôi với những nhà văn
đương thời. Một đêm, một người bạn cho tôi mượn một tập truyện ngắn của Franz
Kafka. Tôi trở về nhà trọ và bắt đầu đọc Hóa thân. Dòng đầu tiên của tác
phẩm dường như hất tôi ra khỏi giường. Tôi kinh ngạc quá đỗi. Dòng đầu tiên ấy
thế này: “Buổi sáng hôm đó, khi Gregor Samsa tỉnh dậy sau một giấc mơ khó chịu,
anh ta thấy mình đã biến thành một con bọ khổng lồ trên giường…” Khi đọc câu
văn đó, tôi tự nhủ mình chưa từng biết bất cứ ai được phép viết ra những thứ
giống như thế. Nếu biết, có lẽ tôi đã bắt đầu viết lách từ lâu rồi. Vì thế,
ngay lập tức, tôi bắt đầu viết các truyện ngắn. Chúng là những truyện ngắn
thiên về chất tri thức vì tôi viết chúng trên cơ sở kinh nghiệm văn chương của
mình và chưa tìm thấy mối liên hệ giữa văn chương và đời sống. Những truyện
ngắn của tôi được in trên phụ san văn chương của tờ El Espectador ở
Bogota và ở thời điểm ấy, chúng thu được thành công nhất định – có thể là vì
không ai ở Colombia viết những truyện ngắn thiên về chất tri thức như thế. Sau
đó, tôi viết những truyện về đời sống ở nông thôn và đời sống xã hội. Khi viết
những truyện ngắn đầu tiên, tôi được người ta nhận xét rằng tác phẩm của tôi
chịu ảnh hưởng từ Joyce.
* Khi đó ông đọc Joyce chưa?