Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

NGHIÊN CỨU - PHÊ BÌNH & VẤN ĐỀ VĂN HỌC (2)

Chuyện gặp trong vườn cây

TRẦN HOÀNG VY

Trưa hè
Tôi cùng cô bạn gái
đang trú nắng trong vườn cây tòa thánh Tây Ninh
Ve râm ran trên cành
Chim lảnh lót, gió xạc xào trong lá …
Bỗng nghe tiếng kêu lạ
của chú khỉ lông màu rêu
Chúng tôi nhìn lên thấy mắt khỉ như đang cười trêu
như tìm kiếm, như săm soi, như để ý…
                               bịch trái cây… ba quả ổi
Đó là bịch ba quả ổi Xá lỵ rất ngon của bạn gái tôi
                    vừa mới mua đang đặt bên đầu gối
Mắt khỉ lom lom, mũi khỉ hít hà
Chúng tôi chưa hiểu ra chuyện gì       
          thì bịch trái cây ba quả ổi  đã bị khỉ lao xuống cướp mất tự bao giờ
Và trên cao bên chạc cây miệng của khỉ đang cười đắc ý
Bạn gái tôi chừng như người mất hồn,  tôi như thằng hoảng vía
Còn khỉ thì ngồi trên cao , nhai ổi ngon lành
Rồi chuyện tiếp lại cũng là chuyện quá bất thình lình
Khỉ ném xuống chỗ chúng tôi hai quả ổi  còn lại
Một quả trúng gần bàn tay tôi, một quả trúng sát sạt đùi cô bạn gái
Ném giỏi tuyệt chiêu, vỏ ổi vẫn lành nguyên, thịt ổi vẫn y nguyên
Và sau cùng
Khỉ thì nhìn xuống
Chúng tôi thì nhìn lên
Sau  một lát, khỉ leo tiếp sang cành bên
Còn hai chúng tôi  về, vừa đi, vừa cười, vừa nhai ổi!

Chuyện chẳng có gì, chỉ: khỉ, hai chúng tôi và ba quả ổi!
CẢNH TRÀ

Vườn cây ở tòa thánh Tây Ninh lâu năm, cây to cao,, cành là rậm rạp, xum xuê… có khỉ ở. Cũng đã vài ba lần gây khó khăn nhỏ cho khách tham quan. Cán bô cơ quan chức năng đã khắc phục.
-Ổi Xá lỵ  không hạt có nguồn gốc tại Thái Lan, nhập nội  vào miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long. Quả lớn, dài, da xanh  sáng, thịt trắng ngà, chắc, có vị chua nhẹ, ăn  ngon.

LỜI BÌNH CỦA TRẦN HOÀNG VY:

Bài thơ Chuyện gặp trong vườn cây của nhà thơ Cảnh Trà, thoạt lướt qua giống như một mẫu truyện kể bằng thơ, có đầu, có đuôi, hóm hĩnh, vui vui về một đôi bạn ( hay tình nhân?), trong một lần ghé chơi Tòa Thánh, ngang qua rừng “thiên nhiên” ( hay phía sau Nhà Văn hóa Thiếu nhi), chợt bị một chú khỉ “tranh” giựt mất ba quả ổi, khi đôi bạn ghé nghỉ chân. Khỉ láu lỉnh, hả hê vì lấy được “quả” từ tay người, còn đôi bạn thì hoảng hốt rồi tiếc rẻ… Song chú khỉ lại ném trả cho hai người hai quả ổi, sau khi đã chén ngon lành một quả ổi, có lẽ là ngon nhất! Hai người bạn vô tư ăn ổi, nói cười vui vẻ trên đường về…

Nào, hãy nghe nhà thơ Cảnh Trà kể: “Trưa hè/ Tôi cùng cô bạn gái / đang trú nắng trong vườn cây tòa thánh Tây ninh”, âm thanh trong vườn cây thật rộn rã: “Ve râm ran trên cành/Chim lảnh lót, gió xạc xào trong lá …”. Và câu chuyện bắt đầu: “Bổng nghe tiếng kêu lạ/ của chú khỉ lông màu rêu/ Chúng tôi nhìn lên thấy mắt khỉ như đang cười trêu/ như tìm kiếm , như săm soi, như để ý … /  bịch trái cây…ba quả ổi / Đó là bịch ba quả ổi Xá lỵ rất ngon của bạn gái tôi / vừa mới mua đang đặt bên đầu gối/ Mắt khỉ lom lom, mũi khỉ hít hà…” lời thơ như lời kể chuyện chậm rải, nhẫn nha, dường như có cả nụ cười thâm trầm trên môi, mà cái “gút” của câu chuyện đang bắt đầu đẩy lên cao trào: “Chúng tôi chưa hiểu ra chuyện gì/  thì bịch trái cây ba quả ổi  đã bị khỉ lao xuống  cướp mất tự bao giờ/ Và trên cao bên chạc cây miệng của khỉ đang cười đắc ý”. Hành động của khỉ được nhà thơ cho là… “cướp”, và thật tội nghiệp cho đôi bạn với trạng thái: “Bạn gái tôi chừng như người mất hồn,  tôi như thằng hoảng vía”, còn con khỉ thì: “Còn khỉ thì ngồi trên cao  , nhai ổi ngon lành”. Có người đọc đến đây thì… phì cười vì đúng là tính nết của khỉ, nhưng phần “ gỡ nút” của tác giả bài thơ lại rất bất ngờ, tạo cho chúng ta một cảm giác ngờ ngợ, buộc phải suy nghĩ vì: “Rồi chuyện tiếp lại cũng là chuyện quá bất thình lình/ Khỉ ném xuống chỗ chúng tôi hai quả ổi  còn lại/ Một quả trúng gần bàn tay tôi, một quả trúng sát sạt đùi cô bạn gái/ Ném giỏi tuyệt chiêu, vỏ ổi vẫn lành nguyên, thịt ổi vẫn y nguyên”. Câu hỏi đặt ra là vì sao khỉ lại ném trả lại hai quả ổi? Điều này có đi ngược lại với bản chất của khỉ? Hay tác giả cường điệu? Hãy tiếp tục câu chuyện và nghe tác giả kết luận: “Và sau cùng/ Khỉ thì nhìn xuống/ Chúng tôi thì nhìn lên/ Sau  một lát , khỉ leo tiếp sang cành bên / Còn hai chúng tôi  về, vừa đi, vừa cười, vừa nhai ổi!/Chuyện chẳng có gì, chỉ: khỉ, hai chúng tôi và ba quả ổi!” . Hình ảnh “khỉ nhìn xuống”, “chúng tôi nhìn lên” rồi “ chúng tôi về, vừa đi, vừa cười, vừa nhai ổi” chính là điểm nhấn của câu chuyện, của cái ẩn ý, ẩn tình của “Ý tại ngôn ngoại” bổ trợ cho hàng loạt chi tiết vừa mới diễn ra, đồng thời thể hiện rất rõ cái “Chất Nghệ” trong ý tưởng của nhà thơ Cảnh Trà, cho dù nhà thơ cố tạo một nụ cười mỉm và cười trừ: “Chuyện chẳng có gì, chỉ: khỉ, hai chúng tôi và ba quả ổi!”. Thôi thì xin bật mí chút xíu để người yêu thơ suy ngẫm mà thôi những bâng khuâng nghĩ ngợi: Con khỉ ấy ngồi trên cao, khó có người làm được gì chúng, và nó có quyền “cướp” cũng như “ban ơn” ném trả lại hai quả ổi thừa, và “đôi bạn” ấy lại tưởng mình được… chia sẻ, bằng lòng với việc ấy, xem là chuyện bình thường, thậm chí là chuyện nhỏ, nhưng… khi mà người ta được… lợi, dù do chính công sức của mình làm ra, có đôi khi còn ngộ nhận, huống hồ?...
Vâng “Chuyện chẳng có gì, chỉ: khỉ, hai chúng tôi và ba quả ổi!”. Mộc mạc thôi, đơn giản thôi, song càng đọc nó lại không hề “ đang giỡn” một chút nào…

Gò Dầu hạ, cuối tháng 8/2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét