Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Ký 2014 (5)

Một ngày quanh vịnh Marina


KHÔI VŨ

Tập ký “Đảo quốc Sư tử biển” (đang viết) gồm 2 phần: phần 1 “Singapore trong mắt tôi” và phần 2 “Đi, ngắm nhìn & nghĩ”
MỘT NGÀY QUANH VỊNH MARINA là một bài trong phần 2.


Du khách đến Singapore, dù đi theo tour hay đi lẻ, đều thường tham quan một số điểm quen thuộc như: Công viên Sư tử biển, Nhà hát Sầu Riêng, Cầu Helix, khách sạn Marina Bay Sands, Vườn cây Marina By The Bay... Những cái tên vừa kể đều nằm quanh vịnh Marina...
Những chuyến đi trước, chúng tôi thường đi riêng lẻ mỗi lần một hai điểm trong số, còn lần này là nguyên một ngày vòng quanh vịnh Marina...
***

Lộ trình được chọn bắt đầu từ Công viên Sư tử biển (Merlion Park), nơi mà bất cứ du khách nào đến Singapore cũng được giới thiệu đến. Là “Biểu tượng chào đón du khách đến Singapore”, hàng năm Công viên Sư tử biển có tới trên 1 triệu du khách ghé lại tham quan. Như nhiều lần trước, khi đứng quan sát, chúng tôi ghi nhận được từ du khách nhiều “mẫu” tạo dáng chụp ảnh với tượng sư tử - không mới mà cũng chẳng hề bị coi là cũ: đứng nghiêng người há miệng sao cho khi vào ảnh giống như đang hớp vòi nước phun ra từ miệng tượng, đưa lòng bàn tay như đang hứng vòi nước...
Merlion được xem là biểu tượng của đất nước Singapore, là một con thú huyền thoại với đầu sư tử, mình cá đang cưỡi sóng. Có người giải thích đầu sư tử tượng trưng cho quá trình khám phá Singapore còn đuôi cá tượng trưng cho sự khởi đầu khiêm tốn từ một làng chài ven biển.

Tượng Merlion có chiều cao 8,6m, nặng 70 tấn được đúc bằng xi măng fondue bởi nghệ nhân Lim Nang Seng (đã mất). Ông cũng thực hiện bức tượng Merlion thứ hai chỉ cao 2m, nặng 3 tấn, đặt ở sau lưng tượng Merlion chính. Căn cứ vào kích thước mà người ta thường gọi tên để phân biệt: Sư tử Cha (ở đảo Sentosa), Sư tử Mẹ (tượng Merlion chính) và Sư tử Con. Trừ tượng Sư tử Cha, cả hai tượng Merlion Mẹ và Con đều được lắp đặt máy bơm để phun nước suốt ngày đêm.
Thời gian đầu, tượng Merlion Mẹ và Con được đặt tại cửa sông Singapore, đối diện với khu dạo bộ Elizabeth Walk. Sau đó, cả hai tượng này được dời đến một công viên mới xây có diện tích 2.500m2, nằm bên cạnh khu hộp đêm One Fullerton cho đến ngày nay.

Ngồi nghỉ chân uống nước dưới gầm cầu gần Công viên Sư tử biển, chúng tôi gặp mấy đoàn du khách Việt đến tham quan, sau khi mải mê chụp ảnh kỷ niệm, một số cùng vào nghỉ ngơi, giải khát. Hỏi chuyện, có người cho biết đã đến đây trong chuyến đi trước, nay vẫn đến vì “nếu không có tấm ảnh kỷ niệm nào ở đây thì coi như không đi chuyến này”.
***

Rời “biểu tượng của Singapore”, chúng tôi đi ngược về phía Nhà hát Sầu Riêng (Esplanade Theatre) nằm ở đầu cầu bên kia.
Lần đầu đến nơi ở mới của con, chúng tôi đi bộ dọc con đường Beach Road, đến hết đường, nơi có khách sạn Raffles sơn toàn màu trắng, thì nhìn thấy hai mái vòm của Nhà hát Sầu Riêng. Định đi bộ tiếp để qua đó nhưng không có lối nào dành cho khách bộ hành. Hỏi thăm mới biết ở khu vực này, muốn qua Nhà hát phải sử dụng City Link (đường ngầm), thế là có dịp khám phá “thành phố dưới lòng đất”. Ra khỏi City Link là gặp khu để xe và cửa vào đường hầm dẫn lên Nhà hát. Con đường này thường vắng, hai bên được trang trí đẹp mắt, có khi là một hai triển lãm nhỏ về nghệ thuật. Hôm chúng tôi qua đây (tháng 8/2014) một phía tường đang giới thiệu những bức tranh của học sinh tiểu học vẽ, gần cuối đường là tranh ngựa của một họa sĩ. Dịp sau này, chúng tôi được biết ngoài City Link, khách còn có thể đi xe buýt chạy ngang phía trước Nhà hát rồi queo dừng ở công viên khu Furleton, từ đó có thể rẽ phải qua Công viên Sư tử hoặc rẽ trái qua Nhà hát Sầu Riêng.
Theo sử sách, từ khi độc lập, Singapore có rất nhiều thay đổi về diện mạo mà ý tưởng xây dựng trung tâm nghệ thuật Esplanade từ những năm 70 là một đột phá. Tuy vậy, phải đến năm 1994 mới xong thiết kế cơ bản để khởi công từ năm 1996 với kinh phí gần 1 tỷ SGD và khánh thành ngày 12/10/2002 nằm trong một khuôn viên rộng 6ha. Kiến trúc bên ngoài của tổ hợp nhà hát này giống như hai đầu micro, tuy nhiên dân địa phương lại thường gọi là “trái sầu riêng” vì bề ngoài của nó được thiết kế trông như vỏ trái sầu riêng. Tìm hiểu thêm về cái tên “Sầu riêng’, chúng tôi được biết theo thiết kế ban đầu, nhà hát có những lớp kính trang trí chung quanh nhưng bị phê bình là dễ gây hiệu ứng nhà kính nên cuối cùng đã chuyển qua giải pháp “tạo bóng mát” bằng cách dùng vật liệu nhôm có sơn phủ và cách điệu thành rất nhiều “mái” nhỏ.

Sân khấu chính cũng là sân khấu lớn nhất Singapore có kích thước 39 x 23 m, 4 tầng, gần 2.000 ghế ngồi mà ghế xa nhất chỉ cách sân khấu 40m. Một phòng hòa nhạc có thể dành cho 120 nhạc công biểu diễn cùng lúc. Ngoài ra, Esplanade còn có cả studio, thư viện, trung tâm nghệ thuật ngoài trời dành cho những buổi biểu diễn cuối tuần (chứa được khoảng 1.000 người trong đó có 200 chỗ ngồi), bãi đỗ xe ngầm, trung tâm thương mại, ẩm thực, khách sạn và trung tâm hội nghị quốc tế...
Các chương trình biểu diễn chính thức đều bán vé, Tuy nhiên vào dịp năm 2012, chúng tôi qua đây chơi đúng kỷ niệm 10 năm thành lập nhà hát, cứ mỗi tháng lại có một buổi hòa nhạc miễn phí trong phòng hòa nhạc và chúng tôi đã có cơ hội tham dự buổi diễn vào chiều chủ nhật của tháng 8. Theo hướng dẫn của con, chúng tôi phải đến sớm 2 giờ mới có một trong số 1.600 chỗ ngồi ở đây. Lần ấy là lần biểu diễn của ban nhạc một trường học, tuy chưa thật chuyên nghiệp nhưng không khí thì rất trang trọng và chất lượng cao. Âm thanh trong phòng hòa nhạc nghe thật hay, được biết do nhà âm học lừng danh Russel Johnson thiết kế và là 1 trong 5 phòng hòa nhạc trên thế giới có thiết kế âm thanh tương tự.
Năm 2007, chương trình biểu diễn nghệ thuật Duyên dáng Việt Nam 18 (Charming Vietnam Gala in Singapore) đã diễn ra trên sân khấu Nhà hát Sầu Riêng trong hai đêm 18 và 19/8, khán phòng chật kín khán giả là người Việt đang làm việc hoặc du học tại đảo quốc!
Du khách đến với Nhà hát Sầu Riêng nếu không có điều kiện xem biểu diễn nghệ thuật thì có thể mua vé tham quan bên trong nhà hát (hàng ngày) với thời gian một lần 45 phút, giá 10 SGD/người lớn. 
Bên ngoài Nhà hát chính, Esplanade Mall là khu mua sắm và ẩm thực phục vụ du khách từ 10g sáng đến 10g đêm.
Cách trung tâm biểu diễn ngoài trời của nhà hát không xa là Khu vực ẩm thực ngoài trời Makansutra Gluttons Bay trên một đoạn đường ngắn khoảng 100m về phía trong bờ (Xem bài Ẩm thực ở đảo quốc) và Sân vận động nổi Singapore (Xem bài Đến một nơi “nhất thế giới”) ngoài vịnh đang được tu bổ với giàn dáo ngổn ngang. Chúng tôi phải đi vòng qua đường Raffles Ave để đến đường vào cầu Helix, một công trình kiến trúc cũng được xem là “kiệt tác”.

Cầu Helix nằm cạnh cầu Benjamin Sheares, dọc theo cầu đường bộ Bayfront, là chiếc cầu vòng cung đầu tiên trên thế giới được khánh thành ngày 24/4/2010. Cầu Helix dài 280m, có cấu trúc xoắn kép bằng thép, tạo nên bởi hai bộ phận vòng cung đối nhau, gắn kết bằng rất nhiều thanh nối. Cầu thể hiện các ý nghĩa: cuộc sống và sự kế tục, sự tái sinh, sự giàu có trường tồn, sự phát triển; và do mô phỏng cấu trúc các chuỗi ADN nên còn được mọi người gọi là “cầu ADN”.
Dọc theo cầu có hai “chiếu nghỉ” làm nhô ra một bên cạnh (phía vịnh). Từ đây, du khách có thể dừng chân nghỉ hoặc chọn vị trí để chụp ảnh kỷ niệm với hậu cảnh là Công viên Sư tử biển ở tít xa, Nhà hát Sầu Riêng cùng Sân vận động nổi thì ở tầm trung mắt nhìn và Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật, Trung tâm thương mại Marina Bay Sands ở gần hơn.Về phía trái, sừng sững trên nền trời cao xanh là khách sạn Marina Bay Sands với con tàu nằm trên ba tòa nhà có hình chữ V ngược.
Giới hạn thời gian đi quanh vịnh Marina trong một ngày nên chúng tôi phải đi qua cầu Helix vào buổi sáng và không khỏi nhớ lại những lần trước đi qua đây vào ban đêm, ánh đèn trên cầu hòa cùng đèn của những công trình quanh vịnh tạo nên một khung cảnh lung linh, huyền ảo và quyến rũ lòng người.
***

Qua khỏi cầu Helix, chúng tôi rẽ trái xuống một cầu thang bộ ngắn rồi đi dưới gầm chiếc cầu bộ hành để qua một điểm du lịch khác: Vườn thực vật Gardens By The Bay. “Những khu vườn bên vịnh” này mới khai trương vào tháng 6/2012, sau 6 năm xây dựng. Trên một diện tích rộng 101ha, nơi đây gồm 3 khu vườn riêng biệt: Bay South Garden, Bay East và Bay Central. 
Bay South Garden (Khu vườn phía Nam) gồm 18 Siêu cây nhân tạo (Supertree Grove) tính tới thời điểm 2014, hồ Chuồn chuồn và Chim bói cá (Dragonfly and Kingfisher Lake), các nhà kính trồng hoa (Flower Dome và Cloud Forest), các khu vườn thực vật di sản thế giới (World of Plants, Bay East Garden và Heritage Garden)
Theo kế hoạch thì vườn sẽ có tổng cộng 36 siêu cây nhân tạo cao từ 25 đến 50m, làm bằng bê tông cốt thép, bao quanh bằng khung thép có gắn cây hoa lan, dương xỉ, dây leo. Một số siêu cây có thang máy và cầu thang để du khách leo lên đỉnh cây ngắm cảnh. Trên đỉnh siêu cây cao nhất có cả nhà hàng phục vụ ăn uống. Một con đường (như cầu treo) trên không tên là Skywalk, cách mặt đất 22m, vừa để đi dạo, ngắm cảnh trên cao nhưng chỉ thích hợp với những người có đủ sức khỏe và thích cảm giác mạnh. Vé đi Skywalk là 5 SGD/người lớn và 3 SGD/trẻ em.
Vào cửa khu vườn, du khách được miễn phí. Nhưng để tham quan 2 Dome (nhà kính có máy lạnh) trưng bày cây và hoa thì phải mua vé. Ngoài vé năm dành cho người bản xứ, người nhập cư, vé vào xem cây và hoa ở 2 Dome dành cho người Singapore rẻ hơn cho du khách nước ngoài. Khi chúng tôi đến xem vườn vào dịp Festival Hoa (16 – 24/8/2014), bảng giá vé cho người bản xứ, người nước ngoài nhập cư, du học sinh... có phân biệt cả người lớn, người già trên 60 tuổi và trẻ em (3-12 tuổi), xem 1 Dome hoặc 2, xem ngày thường hay cuối tuần. Còn với du khách thì chỉ phân biệt người lớn và trẻ em, xem 1 hay 2 Dome, là 18 hay 28 SGD - rẻ hơn dịp thường (22 SGD/xem 1 Dome). Người mua vé xếp thành hàng dài vài mươi mét trước phòng bán vé và có cả những nhóm học sinh tiểu học được cô giáo dẫn đi ngồi chờ.
***

Khi chúng tôi rời “Những khu vườn bên vịnh” quay về, đến gần cổng vào quá trưa, hình ảnh chiếc Vòng quay Singapore Flyer nổi bật trên nền trời xanh.
Vòng quay Flyer có đường kính 150m, điểm cao nhất cách mặt đất là 165m, tương đương với tòa nhà 42 tầng. Theo lý thuyết, ở vị trí này, mắt người có thể nhìn xa đến 45 km! Nhưng không cần đến thế, chỉ ngắm vịnh Marina và phần phía nam của đảo quốc Singapore từ 1 trong 28 cabin của vòng quay, cũng đã đủ mãn nhãn. Nhìn từ xa thì các cabin trông nhỏ nhắn, không mấy ấn tượng. Kỳ thực nó to bằng chiếc xe buýt, chứa được tối đa 28 du khách và có điều hòa không khí. Khách có thể mua vé (29,5 SGD/người) đi ghép hoặc đi theo đoàn, lại có thể vừa ăn uống vừa thưởng ngoạn. Dù sao thì đế có được trải nghiệm ở đây, chúng tôi cũng đã “bấm bụng” một lần. Có người từng kể rằng một bữa tối Sky Dinning trong một cabin đặc biệt dành cho hai người và có nhân viên phục vụ riêng, sẽ là thật lãng mạn. Có lẽ đó chỉ là mơ ước của không ít người, gồm cả chúng tôi.
Cho đến nay, vòng quay Flyer của Singapore vẫn là vòng quay lớn nhất thế giới (kế đó là vòng quay London Eye của Anh). Chúng tôi được nghe kể rằng ngày 15/4/2008, Singapore Flyer được khánh thành thì đến ngày 28/7, tức chỉ ba tháng sau, người ta ra thông báo báo chí rằng vòng quay này quay ngược chiều phong thủy. Để đổi chiều quay, một kinh phí đến hàng triệu SGD đã phải bỏ ra thêm. Mặc dù vậy, vào tháng 12 năm ấy, một sự cố điện cũng đã xảy ra khiến đu quay bị đứng yên, treo lơ lửng 173 du khách trong 6 tiếng đồng hồ giữa không trung!
Nhiều năm qua đi, Vòng quay Flyer đã hoạt động ổn định. Không biết về kinh tế lời lỗ thế nào nhưng nó cũng đã góp phần hấp dẫn du khách khắp thế giới đổ về Singapore, tạo nên sự phát triển không ngừng của đảo quốc.
***

Khu vực còn lại ở vịnh Marina được chúng tôi “lên kế hoạch” chinh phục vào buổi chiều. Nhưng trước hết phải tìm cái gì bỏ bụng. Chúng tôi vào tầng 1 của khu trung tâm thương mại Marina có 3 vòm cao rộng, 4 tầng trên mặt đất và 2 tầng hầm. Không khí mát rượi ở đây khiến thấy dễ chịu trong người và cũng có phần... giảm đói. Xuống hai lần thang cuốn, ở ngay đầu vòm cuối là một food court với những gian hàng bán thức ăn, nước uống bao quanh một sân patin dành cho trẻ em giải trí. Thức ăn giá trên dưới 5 SGD, nước uống thì trên dưới 2 SGD, tha hồ chọn lựa (So với các food court các khác thì giá cả ở đây đắt hơn một chút). “Luật” mua bán ở đây đơn giản là “trả tiền trước, nhận hàng sau”, kế là tìm một bàn trống nào đó để ngồi “dằn bụng”.
Khách sạn Marina Bay Sands có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi đâu thuộc khu trung tâm Singapore. Nhưng để có thể ở trong một phòng của khách sạn này thì không dễ chút nào. Vấn đề là giá cả thuê phòng rất cao. Phòng ở những tầng thấp nhất đã có giá khoảng 304 USD/đêm (hơn 6 triệu VN đồng). Còn phòng VIP như phòng Tổng thống rộng hơn 500m2, có quản gia, 3 phòng ngủ, phòng tập, matxa... thì... không cần thiết ghi giá tiền ra đây!
Đắt đỏ do đây là một khách sạn sang trọng, tiện nghi và cả thương hiệu.

Khách sạn Marina Bay Sands được xây dựng trong một khu vực mà người Singapore mua 1 triệu m3 cát ở các nước láng giềng về lấp biển. Đây là một quần thể nghỉ mát hỗn hợp trị giá đến 5,7 tỷ USD, có 55 tầng (và 2 tầng hầm), 2.560 phòng với 18 loại phòng khác nhau và 230 phòng hạng sang; do công ty Las Vegas Corporation xây dựng, đạt danh hiệu khách sạn đắt giá nhất thế giới. Khách sạn gồm ba tòa tháp riêng, một “chân” thẳng, một “chân” xoải ra (khoảng 26 độ) rồi nối lại thẳng đứng ở tầng 23. Trên đỉnh khách sạn là “Sands SkyPark” có hình một con tàu rộng tới một hecta, vươn khắp 3 tháp của khách sạn. Ở SkyPark có Bể bơi Vô cực, một trong những bể bơi ngoài trời lớn nhất thế giới, dài 151m (Gấp 3 lần chiều dài của một bể bơi Olympic). Ngoài ra là đài vọng cảnh, các khu vườn tươi xanh cùng các nhà hàng. (Du khách muốn lên Đài vọng cảnh phải mua vé 20 SGD (Khách nam phải đi giầy), riêng khách của khách sạn thì được miễn phí).
Khách sạn Marina Bay Sands chính thức mở cửa vào ngày 23/6/2010. Nó đúng là một tổ hợp vừa là khách sạn, vừa có các khu mua sắm, giải trí, casino, nhà hát, bảo tàng Hoa sen và khu vực tổ chức hội nghị. Phục vụ nơi đây có khoảng 10.000 lao động. Sau hơn 3 năm hoạt động, Marina Bay Sands đạt tỉ lệ phòng có khách đến 98,8%, trong đó hơn 80% khách đến đây để... đánh bạc
Không lạ, vì tập đoàn đầu tư Marina Bay Sands là Las Vegas Corporation và một mục tiêu quan trọng của họ là lập casino sau khi chính phủ nước sở tại thông qua quyết định cho phép mở sòng bạc trên đất nước họ. Là người nước ngoài, chúng tôi chỉ cần trình hộ chiếu là được vào casino. Người Singapore thì khác, họ phải nộp 100 USD mới được qua cửa. So với casino ở Macao mà có lần chúng tôi đã vào, thì ở đây còn có phần lớn hơn. Casino có 4 tầng với 600 bàn đánh bạc trực tiếp và 2.500 máy đánh bạc tự động được bố trí ở 2 tầng dưới: tầng trệt dành cho người hút thuốc và tầng trên dành cho người không hút thuốc. 2 tầng trên nữa là 35 phòng VIP. Tổng diện tích của riêng khu vực đánh bạc là 15.000m2, khách đứng phía dưới vẫn nhìn lên thẳng trần nhà và các tầng khác. Mức tiền tối thiểu đặt cho mỗi ván tại mỗi bàn của sòng bạc Marina Bay Sands là 25 SGD, lớn nhất so với các sòng bạc trên thế giới. Trung bình, lượng tiền đặt cược tối thiểu từ 200 - 300 SGD/lần và tối đa đến 200.000 - 300.000 đô/lần. Đó là những con số “trên trời” với một du khách như chúng tôi!
***

Không có cơ hội “nghỉ” tại khách sạn đắt nhất thế giới này, chúng tôi vẫn “đột nhập” được nơi đây bằng cách đi thang máy (lần khác thì chúng tôi sử dụng thang cuốn) từ tầng 1 của Trung tâm mua sắm lên tầng 4 rồi ra cây cầu xuyên qua khách sạn. Đây cũng là một lối đi khác khi nếu đi đến cuối cầu, khách có thể đi xuống Vườn thực vật Gardens By The Bay. Từ “con đường trên không” này, lúc đi xuyên qua khách sạn, chúng tôi nhìn xuống phía dưới rực rỡ những gian hàng, vừa ra khỏi thì có thể nhìn ngắm trực tiếp những phòng nghỉ mà hành lang nào cũng được trồng hoa. Phía dưới cầu, xe cộ tấp nập qua lại trên các con đường và trong tầm mắt là những khối cao ốc có hình dáng khác nhau vươn lên bầu trời.
Chiều, cũng gần hết những điểm muốn đến trong lộ trình, chúng tôi rảo bước qua điểm cuối ở phía ngoài trung tâm mua sắm: Bảo tàng Khoa Học Nghệ Thuật (ArtScience Museum). Bảo tàng này gồm 21 phòng trưng bày, với không gian triển lãm lên đến 4.800 m2.  Mái nhà với thiết kế sáng tạo của bảo tàng tạo nên một thác nước với nước mưa được dẫn qua giếng trời trung tâm của tòa nhà.
Chọn hình dáng tựa hoa sen, chắc rằng những nhà thiết kế muốn gửi thông điệp chào mời cởi mở của bảo tàng đến với du khách. Đây là địa điểm tốt nhất tại Singapore để tổ chức những buổi triển lãm quốc tế lớn với những bộ sưu tập nổi tiếng nhất trên thế giới.
***

Về thôi! Và về bằng MRT. Chúng tôi xuống tầng hầm 2 trong khu mua sắm, đi ngược lại điểm cuối một “dòng sông” nhân tạo có mấy chiếc thuyền con neo đậu và du khách tất tả ngược xuôi. Đèn sáng dọc lối đi, trên “dòng sông”, trong các cửa hàng... khiến cảnh quan nhộn nhịp đến... rối mắt. Đầu “dòng sông” là trạm MRT Bayfront. Sau khi xuống hai lần thang cuốn, chúng tôi lên chuyến MRT hướng về trạm Nicoll Highway gần nhà.

Một ngày dạo quanh vịnh Marina vẫn là không đủ cho những khám phá trọn vẹn. Có thể sẽ phải tốn gấp hai hoặc gấp ba thời gian mới đạt được cảm giác thỏa mãn. Và... cũng phải có tiền đủ để chi phí!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét