Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

TÁC GIẢ - TÁC PHẨM (3)

Trần Nhã Thụy mất 6 năm

hoàn thành tiểu thuyết 'Hát'


BẠch Tiên

Sự nát tan của các giá trị tinh thần trong đời sống hiện đại được Trần Nhã Thụy đưa vào tiểu thuyết mới bằng văn phong hài hước, chua chát.
Trần Nhã Thụy chọn câu thơ của Hoàng Hưng làm đề từ cho cuốn sách mới: "Có bao nhiêu nát tan. Đội lên đầu mà hát". Những trang tiểu thuyết của anh phản chiếu cuộc sống hiện đại với đầy ắp sự kiện, thông tin và chồng chéo giữa chúng là những giá trị tinh thần, vật chất bị phân mảnh. 
Trần Nhã Thụy tâm sự, anh dành nhiều thời gian cho đề tài về đời sống xã hội đương đại. Bắt tay viết tiểu thuyết Hát từ tháng 2/2008 nhưng phải đến tháng 3 năm nay, anh mới hoàn thành cuốn sách. "Có những trang độc giả chỉ mất vài phút để đọc nhưng người viết thì nhọc nhằn cả năm trời", anh chia sẻ về công việc của mình.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là Kỷ - một nam kỹ sư của Viện Giống. Kỷ độc thân, sống giữa Sài Gòn nhưng lại mê giai điệu ca trù xứ Kinh Bắc. Nhân duyên đưa anh gặp gỡ và theo học ca trù từ mẹ con Xuân Nương - những ca nương hiếm hoi còn sót lại. Giữa phố xá Sài Gòn, ca trù bị lạc tông và cuộc sống những ca nương trở nên mong manh. Họ luôn gây cho người đọc cảm giác lo âu, phập phồng về những bất trắc có thể gặp.
"Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy chốc". Vậy nhưng, trong "mấy chốc" ấy, nhiều người lao vào vòng xoáy của tiền, tình, hư danh, ảo vọng không thành. Trần Nhã Thụy vẽ nên những nhân vật đa màu sắc như: ca sĩ Viễn Trinh, nhà báo Râu quai nón áo bốn túi, nhà cải cách văn hóa với những phát ngôn gây sốc tên Sinh, những Đại Thi sĩ, họa sĩ nửa mùa... Họ đều tất bật trong cuộc chạy đua mà không biết mình đua với cái gì.

Tiểu thuyết Hát cũng vẽ nên thế giới xa hoa trong cuộc sống của những người giàu ở Sài Gòn. Các biệt thự sang trọng nằm trên những hòn đảo biệt lập của thế giới người giàu tạo nên một Sài Gòn khác với hình ảnh đô thị của người nhập cư mà nhiều người từng biết.
Và trong thế giới ấy, Kỷ không chạy đua, nhưng những tháng ngày của anh lại lạc lõng, đơn điệu. Bị ám ảnh từ sự thất bại với người tình đầu tiên, Kỷ cô độc.
Ở cuốn tiểu thuyết thứ hai này, Trần Nhã Thụy chủ ý mang đến giọng điệu mới mẻ cho văn phong của anh. Bên cạnh giọng văn có phần trầm lắng cố hữu, anh có những trang viết hài hước, giễu nhại. Trần Nhã Thụy đưa kiểu "văn báo chí" vào ở những phần phụ lục sách. Phụ lục không nằm cuối sách mà nằm xen kẽ ngẫu hứng giữa các chương, như để minh họa cho những điều đang diễn ra trong tiểu thuyết.
Trần Nhã Thụy chỉ dùng một từ "hát" không viết hoa để gọi tên cho những thanh âm của đời sống dội về trong tác phẩm mới của anh. Hát nuôi dưỡng tâm hồn sơ sinh. Hát như tiếng kinh cầu đưa ta về đất. Hát lên niềm vui. Hát lên tình yêu. Hát cho những tủi cực, nhọc nhằn. Hát cho những nát tan. Hát như một cách giải thoát...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét