Ông Ba Rạch Đùng
tRUYỆN NGẮN CỦA DƯƠNG DỨC KHÁNH
Lão Ba sinh thời thường hay kể, thuở ông
già tía với ông nội lão tới khẩn đất đầu tiên ở cái xứ khỉ ho này lão còn ở
truồng tồng ngồng. Tròng cái áo bằng bao bố tời lút đầu gối, ngồi bó rọ trên
chiếc ghe tam bản dòm đỉa lội lềnh như bánh canh dưới con rạch đục ngầu. Đêm
ngủ trên chòi còn nghe sấu nổi lên quẫy đùng đùng... Rồi sau này thành xóm
thành làng có cái tên Rạch Đùng. Rồi không biết từ hồi nào, ai đó cắc cớ gắn vô
cái tánh khí đùng đùng như lửa của lão, thành tên gọi tới giờ.
Lão qua đời nay hơn chục năm. Hồi giờ,
bàn thờ lão chỉ thấy gọn hơ cái bát nhang với tấm bài vị thầy cúng viết bằng
mực tàu. Dân ruộng rẫy quê mùa lớp lão hồi đó cả đời mới có dịp chụp hình (có
người còn kêu “chớp bóng”) được một vài lần, đó là lúc đi mần thẻ căn cước. Cho
nên, cái “thẻ bọc nhựa” của ai rủi ro hư hỏng thất lạc thì tới lúc mãn phần
nhắm mắt, cháu chắt đời sau chẳng biết chi mặt mũi ông bà.
Vậy mà mới hôm rày, con cháu lão
được dịp mừng húm như cha ông mình tự dưng đội mả sống lại!
Số là bữa đó, có mấy ông cán bộ xã đi
bằng tắc ráng vỏ lãi vô ấp lặn lội hỏi tìm nhà ông Ba Rạch Đùng. Ngôi nhà vách
ván tuềnh toàng ọp ẹp dựng trên nền cũ bằng gạch tàu, còn những tấm đá vuông
lõm tròn kê chân cột của loại nhà xưa. Bên chái đầu trên thấy còn đống ngói vụn
lẫn trong đất và cỏ. Hiện anh Hai Lúng, con trai một của ông Ba đang ở thờ
phượng cha mình. Đoàn dẫn theo một ông người Mỹ biết nói tiếng Việt lơ lớ, xưng
tên là Rai Xơn. Theo ông Tám xã đội giới thiệu, hồi chiến tranh ông Mỹ đây đã
từng đóng quân dài ngày ở Rạch Đùng này. Mấy chục năm nay Rai Xơn mới có dịp
trở lại thăm, và đặc biệt là còn lưu giữ một bức ảnh về ông già Ba gần bốn chục
năm về trước, nay muốn gửi tặng lại gia đình. Ông Mỹ mở cái sam-sô-nai lấy ra
một khung hình trang trọng đưa ra trước mọi người: hình ông Ba đúng y chang
không xê một nét! Nó không phải là thứ hình từ trong căn cước. Cũng không phải
như hình chụp ở tiệm thường có thợ ngắm nghía, sửa sang, mà là một gương mặt
ông già đang cau có, giận dữ chuyện chi đó. Nền bức ảnh lờ mờ như có nhiều
người phía sau. (Lúc nãy ngoài ủy ban, ông Mỹ đã đưa ra, nói tấm ảnh này mấy
chục năm trước đã từng “lên báo” bên Mỹ!). Đúng là gương mặt hay quạu quọ, nhăn
nhó như gáo đờn của ông Ba hồi còn sống mỗi lần gặp chuyện rắc rối, bực tức...
Anh Hai Lúng run run ôm tấm hình úp vô ngực kêu tía ơi, rồi rưng rưng đặt lên
bàn thờ. Vợ anh ra bẻ mấy trái vú sữa bên chái nhà đặt lên, thắp hương. Mọi
người, kể cả ông Mỹ đều lặng lẽ chắp tay xá xá.
Với cuộc thăm viếng chốc lát, với vốn
liếng tiếng Việt kiểu “i tờ rít”, ông Mỹ Rai Xơn dù muốn cũng không thể giải
thích đầu đuôi sự tình đã xảy ra cách nay ba mấy bốn chục năm rồi…
Nghe nói lúc trở ra ủy ban xã, ông Mỹ
còn ngỏ ý định lần này quay về nước sẽ vận động với hội đoàn chi chi đó. Lần
sau trở lại sẽ xin phép cất lại ngôi nhà thờ hệt kiểu nhà lão Ba hồi xưa nữa...
*
* *
Sinh thời, lão Ba là người thiệt như cục
đất. Vợ lão mất sớm. Có được thằng con trai là Hai Lúng cũng bị bắt quân dịch
đưa tuốt ngoài Trung, nghe đâu Quảng Trị, Đông Hà chi đó, biệt tăm biệt tích.
Lão sống một mình thui thủi. Cả đời lão chỉ quanh quẩn với mấy đám ruộng, quen
tật la hét dậy đồng mỗi lần quất roi cày vô mông trâu, nên cái tánh nóng nảy
như Trương Phi của lão làng trên xóm dưới ai cũng biết.
Có lần ngoài đồng về, lão ực cạn gáo dừa
nước mưa rồi hể hả ngồi bệt xuống thềm quấn điếu thuốc rê bằng ngón cẳng cái.
Đang tới cữ ghiền, cái máy lửa của lão tự nhiên trở chứng không chịu cháy (mấy
người già lớp lão hay gọi cái bật lửa nhôm là cái máy lửa). Lão mở nắp kiểm tra
xăng, đá lửa cũng còn đầy đủ. Cạy cục, thổi phù phù một hơi, quẹt tiếp xành
xạch mười mấy cái nữa, rồi dí bánh xe xuống nền nhà đẩy lửa văng xẹt xẹt, cũng
trơ trơ “mẹ cha nó”! Lão nổi khùng, đứng dậy quăng cái vèo tuốt bụi bông bụp
ngoài ngõ rồi đùng đùng xuống bếp bươi than đốt thuốc. Bặp gần nửa điếu thuốc,
nghe cái cục tức cũng cứ còn nằm ngang cần cổ. Lão bước đụi đụi vô nhà sau rút
cái búa, phăm phăm ra hàng bông bụp kiếm lại bằng được cái đồ “mắc ôn mắc
dịch”! Lão hằm hè đặt nó lên cục đá kê thềm, nghiến răng nện ba bốn búa tóe
lửa! Cái máy lửa bẹp dúm, lão mới chịu quăng một lần nữa xuống ao luôn cái tủm!
“Hừ!”.
Trong những vật dụng thường ngày của lão
chỉ có cái máy lửa là có phần “máy móc” một chút nên nó mới trục trặc. Còn mấy
thứ do chính tay lão làm ra từ cái chạc trâu, tới cái cán cuốc cán cày… thì kể
như xài đời đời. Cái gối kê đầu lão đẽo bằng gỗ mít, xài lâu năm màu gỗ lên
nước vàng rộm, láng boong! (Mỗi lần làng cúng đình, có dịp giết trâu bò, mấy
chú mấy bác cứ hay giỡn: “Không có búa tạ thì chạy vô mượn cái gối của ông Ba
mà đập, bảo đảm trâu bò nào cũng chết tuốt!”). Còn cái gậy của lão, có lần lão
hì hà hì hục cả buổi ngồi cưa cái cát-tút đạn đại liên tra vô đầu mũi, như
người ta đóng móng ngựa. Lão chống thử cọc cọc, cười khà khà “ba đời cũng chưa
mòn!”.
Và, cũng cây gậy này – nó gắn liền với
câu chuyện cười ra nước mắt mà người làng Rạch Đùng nhớ đời mỗi lần nhắc chuyện
hồi giặc dã chiến tranh.
Chuyện là hồi lính Mỹ kéo vô làng đợt
thứ hai. Dọc bìa làng lúc ấy là dãy hàng rào ấp chiến lược ngăn cách xóm làng
với đồng ruộng. Ai ra đồng phải qua mấy cái cổng có lính gác, phải trình giấy
tờ.
Sớm ấy lão chống gậy tính ra thăm lúa. Tới
cổng rào không thấy thằng lính nào mà là… một thằng Mỹ mặt mũi non choẹt, đứng
ngơ ngơ ngáo ngáo. Hắn chĩa súng chặn lão lại, lên giọng bằng tiếng Việt, bặp
bẹ:
- Kan-quooc?... Ong co kan-quooc
khong?!...
- Tui ra thăm lúa, không đem cuốc! - Lão
chỉ tay ra ruộng, trả lời liền.
- No, no… kan-quoc, kan … quooc! - Hắn gằn mạnh từng tiếng, đưa
ngón tay lên không khí vẽ hình chữ nhật nhỏ xíu rồi cứ “kan
quooc, kan
quooc”!
- Tui… đi… thăm… lúa, không… vác… cuốc!
Mần chi có cán cuốc! - Lão bắt đầu nổi cáu. Bỗng lão giơ cây gậy lên trước mặt
hắn:
- Không có cán cuốc... cán gậy này được
không?!
- …?!
Liền lúc đó có mấy người cả đàn ông đàn
bà từ đàng xa vác cày vác cuốc đi tới, lão ngoắc lia ngoắc lịa:
- Mau mau, đem cuốc tới đây! Thằng Mỹ
đòi cái cán cuốc! Không biết mần cái chi!
Tới nơi ai nấy cười òa:
- Ơi dà, thằng Xơn! Hắn hỏi cái thẻ
căn-cước! Cái “thẻ bọc nhựa” của bác đó!...
Như chực nhớ ra chuyện cũ, mặt lão bỗng
tím lại, mắt trợn lên đỏ vằn, miệng giựt giựt rung cả chòm râu. Giọng lão đứt
nghẹn:
- … Căn... với cước!... Vườn tao lãnh
đủ… hai quả ca-nông tàu!... Nhà thờ nhà tự, gia phả mấy đời dòng họ tao cũng
cháy thiêu cháy rụi, đừng nói chi căn với cước!...
Lão vừa gào vừa chỉ vô thằng Mỹ đang
nghệch mặt há hốc, chớ biết mô tê là chi cả! Lão còn giơ đầu gậy lên, chỉ cái
cát-tút: “Nè, đạn tụi bay bắn ràng ràng nè! Chối không!” làm ai nấy cười lộn
ruột!
-
Chuyện bom đạn giặc giã mà hơi sức đâu bác Ba ơi! Tụi hắn chắc cũng bị bắt
“quân dịch quân gà” như con cháu mình đây cả. Nóng giận chi cho mệt!
Thằng Xơn (bà con quen kêu theo cái chữ
gì Xon trên túi áo hắn) thì cả làng ai lạ gì! Cái thằng nhìn cái mặt ngơ ngơ
như “đi ỉa không biết đường dzô!”. Chắc đang đi học rồi bị bắt lính qua đây.
Súng nổ cắc cụp tối ngày, vậy mà chẳng thấy hắn biết sợ sệt chi cả! Từ hồi về
đóng quân, lúc nào cũng thấy mang máy chụp hình, máy thâu băng, gặp cái giống
gì cũng chụp, cũng thâu. Hôm hắn chụp với thâu được mấy cô đi cấy dưới ruộng
đang hò. Vậy là cứ đứng mở lui mở tới, coi bộ khoái chí lắm! Rồi gặp chỗ nào có
mấy ông uống rượu, đờn ca lóc cóc là nhào dzô bấm máy thâu liền. Nhứt là mấy
hôm có gánh hát cải lương về hát trong sân đình làng. Đêm nào cũng thấy một
mình hắn lêu khêu đi với đám lính địa phương trong xã. Tụi lính ỷ quyền súng
ống, cứ xông vô “coi cọp”. Mình hắn đứng lại móc tiền ra mua vé đàng hoàng. Rồi
ban ngày, có khi hắn vừa đi vừa mở băng ca cải lương tửng từng tưng dậy làng
Mấy tháng sau.
Lão Ba đang lui cui buộc giàn bầu trước
sân bỗng nghe tiếng loa tay rao vang đầu xóm. Lão chống gậy ra ngõ thấy thằng
Tư “a-lô” cũng vừa đi tới. (Cả làng ai cũng kêu bằng thằng Tư nhưng thực sự Tư
“a-lô” nay cũng ngót nghét năm mươi rồi. Anh ta mần chức mõ của làng Rạch Đùng
này đâu hồi mười mấy tuổi, ai nấy kêu thằng riết quen). Tư mình lúc nào cũng tà
lỏn đi chân đất cho tiện lợi “công tác liên lạc”! Không biết đi xe đạp nên anh
ta đi bộ kiểu rồng rắn, cứ hết cuối xóm này lại lội tắt đường ruộng dzọt qua
xóm khác. Nên mỗi cái tin anh ta rao khắp làng mau cấp kỳ!
Lão tằng hắng:
- Rao cái chi đó mậy?
- Sáng ngày mai, đúng bảy giờ, ra đình
làng nhận bồi thường! Chánh phủ bồi thường thiệt hại trận ca-nông hồi năm
ngoái! Ông Ba nhớ đem theo “tờ khai gia đình” nghe ông Ba!
- Mẹ… nó! Cũng giấy với tờ! Mà có chắc
không mậy?
Giọng Tư tưng tửng:
- Ơ, tui “a-lô” mấy chục năm nay mà nói
dóc cho chánh phủ bỏ tù rục xương à! - Rồi anh ta bắc tay lên miệng: - A lô! A
lô!... Kính mời toàn thể đồng bào đúng bảy giờ ngày mai… tập trung tại đình
làng… A lô! A lô!
Lão vừa trở vô vừa lầm bầm:
- Bồi với thường!… Chắc cũng giống cái
đận cứu trợ hôm hổm chớ gì! Bà mẹ cha nó!
Nhớ tới lần đó, trong bụng lão còn cục
tức anh ách. Nghe tin xóm giềng ới nhau đi nhận “cứu trợ”, kêu bằng “Chương
trình cứu trợ nạn nhân chiến tranh”, cũng từ cái loa của thằng Tư, lão cũng lật
đật chống gậy đi. Đang lúc ngay giữa mùa nước lớn, ruộng đồng ngập lênh ngập
láng. Đúng là “họa vô đơn chí”, mới bị trận ca-nông tanh bành làng xóm nhà cửa,
lúa thóc trong bồ cũng cháy rụi. Nay nhồi thêm trận lũ lớn, hột lúa ngoài đồng
sắp sửa cắt cũng chìm ráo trọi. Đói cả làng là cái chắc! Theo thông báo của xã
ấp, bà con phải tập trung ra gò đất nổi giữa đồng, rồi có phái đoàn tới phát
quà cứu trợ. Từ sáng sớm, lớp xuồng lớp ghe lủ khủ chống chèo như đi nhóm chợ
giữa ruộng. Ngồi chờ mỏi cổ tới chín mười giờ trưa, cũng chưa thấy bóng con ma
nào tới cứu tới trợ cái giống chó chi cả! Già trẻ lớn bé đang ngồi sắp lớp giữa
gò bỗng trời chuyển đen kịn, mưa ập xuống, không một tán cây cối gì che. Cả
làng ướt nhem như bầy chuột lột! Bà con bắt đầu la ó. Nhứt là lão Ba, sáng giờ
lão như khùng như điên, chực muốn phang gậy vô đầu mấy thằng cha xã ấp cho bõ
tức! Lúc sáng lão quá giang xuồng hàng xóm, giờ như bị giam tù lỏng giữa đảo
như dzầy! Bơi không nổi lội không xong, chớ phải chi chỗ khác đường sá khô ráo
là lão chống gậy bỏ về mất đất tám chục kiếp rồi! Thèm đách vô! Bà mẹ cha nó!…
Cha Bảy Trưởng ấp sáng giờ cũng biết
khôn, cứ ngồi trên ghe tam bản gắn máy ko-le, cầm cái loa tay chạy pin giọng ra
rả “A lô, a lô! Bà con yên tâm, bà con cố gắng chờ đợi một lát nữa thôi!... Đoàn
cứu trợ đang trên đường tới bằng... ca-nô!... Bà con cứ bình tĩnh, yên chí!...
Ca-nô đang chở thực phẩm, áo quần, thuốc men... tới tận đây cứu trợ bà con
mình!...”
Cho tới tận giữa trưa, mặt trời lên
chang chang, cả làng lại phơi nắng chịu trận. Ngóng mút mắt chẳng thấy bóng ca
nô ca niếc nào chạy tới. Xế chiều, kẻ than người thở, kẻ nằm người ngồi la
liệt. Đang kêu trời kêu đất bỗng từ trên trời lù lù xuất hiện hai chiếc trực
thăng đâm thẳng tới. “Chết mẹ! Máy bay tới bắn bà con ơi!... Chết cha rồi! Chạy
đường trời!...”. Nó hạ thấp xuống nghiêng mình liệng mấy vòng phần phật trên
đầu. Quá hoảng, mạnh ai nấy phóng đùng đùng xuống nước! Tội nghiệp mấy ông bà
già cả, mấy người bồng con dại cũng ôm con phóng ào ào. Một cảnh tượng hỗn loạn
giữa đồng nước minh mông, như bầy le le gặp diều hâu, nhìn thê thảm hết biết!
Bỗng từ trên máy bay có tiếng loa rền
trời vang xuống “Đồng bào chú ý! Đồng bào bình tĩnh!... Đây là đoàn cứu trợ của
Hội Hồng thập tự quốc gia… Đồng bào hãy ổn định trật tự để chuẩn bị nhận quà!”.
Từng loạt túi quà từ máy bay ào ào trút xuống. Tiếng loa Trưởng ấp lại vang lên
“Bà con trật tự, ổn định!... Mỗi người được nhận một phần, do các cán bộ ấp
kiểm tra, phân phát!... Ai nhận xong xuống ghe xuống xuồng. Giải tán!...”
Chèo chống vô tới xóm tới nhà, bà con ai
nấy vừa đói vừa mệt đứt hơi. Nhưng cũng an ủi, khấp khởi với bịch quà nhận
được. Chẳng biết là cái thứ gì trỏng?! Thiệt tình, thứ bà con cần lúc này cũng
chỉ đơn giản chừng năm mười lít gạo, ít mắm muối tương chao gì đó sống qua ngày
đoạn tháng. Nhưng cái bịch to tướng mà nhẹ hều, chắc hoàn toàn không phải mấy
thứ đó.
Lão Ba cũng muốn lết mới về tới nhà,
cũng đói muốn rã ruột! Lão mở bọc quà lôi ra mấy thứ: một hộp giấy cứng vuông
vuông, lắc nghe òng ọc, chắc là sữa bò pha lỏng; một ổ bánh mì niêm trong bịch
ny-lông. Một miếng gì xeo xéo tam giác, như cục mỡ đông, chắc bơ béo chi đây!
Toàn thứ từ nhỏ tới giờ lão chưa hề nếm tới. Sẵn bụng đang đói, thôi cũng “mần
tây” một bữa thử cái coi! Lão xé khúc bánh mì, xoi lủng hộp sữa. Lão cắn miếng
bánh mì rồi hớp ngụm sữa, vừa tới miệng lão ọe ra liền. Đúng là cái mùi lờm lợm
không chịu nổi!... Cơn ói ụa kéo dài một hồi. Lão đứng dậy quăng hộp sữa cái
oạch tuốt ngoài sân, chửi lầm bầm. Rồi lão kêu con Mực, quăng cho nó cái bánh
mì với miếng bơ. Nó cắn bánh mì, còn miếng kia nó ngửi ngửi, bỏ đi. Đó, rõ ràng
tới chó còn chê chớ đâu mình lão! Nhớ sực lúc sáng trước khi đi, lão có bắc nồi
khoai lang lên bếp. Vậy là vô nồi bốc mấy củ khoai mần no bụng. Ra ngoài lu mần
gáo dừa nước mưa. “Ao ta ta tắm”. Xong! Lão quấn điếu thuốc rê phì phà bập bập
rồi lầm bầm tự chửi mình “già cái đầu còn dại”!
Chưa hết, lão lại săm soi cái gói áo
quần. Thôi thì cái ăn không ra gì, vứt đi cũng còn cái mặc. Mùa gió bấc cũng
gần tới, có thêm cái áo cái quần cũng đỡ khổ. Lão lôi ra cái thứ nhứt: cái quần
– một cái quần giữ bò cũ mèm, bự tổ chảng. Lão đứng dậy đọ thử bề dài, đúng tới
lỗ mũi. Còn bề ngang cỡ hai người như lão chui vô cũng lọt tót! “Mẹ cha nó! Cứu
với trợ!”. Thứ hai: cái áo – một cái áo thun vàng rực, bự cỡ ba người như lão
tròng vô tuốt luốt, có in hình hẹo gì tùm lum. Lão trải ra coi thử, trước ngực
là hình một thằng cao bồi râu quai nón cưỡi ngựa đeo súng lục, phía sau lưng
hình một cái đầu lâu hai xương chéo, ớn lạnh! Lão đứng dậy ướm thử, gần tới mắt
cá, chắc khỏi mặc quần! Chà, lão mà mặc cái áo này vô chắc thiên hạ bật ngửa,
chạy la làng hết!... Cái thứ ba, lão xổ ra: Hô hô!... Một cái váy đầm bự chảng
có những bông hoa đỏ choét! Tới nước này thì lão hết đổ quạu, hết chửi rủa chi
nữa rồi, mà cứ ngồi cười khùng khục!...
Nhìn tới nhìn lui mấy cái áo quần khổng
lồ, lão bỗng nảy ra cái ý tưởng ngồ ngộ, hay đáo để. Lão gục gật một mình “cũng
được việc đây, cứ để đó!”.
Mấy sào ruộng của lão thuộc vùng đất gò
giáp bìa làng, không bị nước chụp. Mùa này lão đang trồng hai sào nếp. Mới trổ
đòng đòng nhưng hôm rày thấy lũ chim chóc đã lượn lờ rập rình. Hôm sau lão lui
cui cả ngày, chặt tre làm sườn, quấn rơm thành hai thân hình bù nhìn to đùng
đùng. Lão cho mặc quần áo khổng lồ vô, thành một thằng cao bồi với một con đầm áo
bông đỏ rực! Lão kiếm đâu được cái mũ lưỡi trai cũ với cái nón đệm, đội lên.
“Bù nhìn ngoại quốc! Hà hà! Ghê chưa!”. Lão đắc ý lại cười khùng khục một mình
rồi vác cả hai ra ruộng, hì hục cắm hai đứa cao lớn nghều nghệu đứng trấn hai
đầu bờ.
Cái tin nóng hổi “Tây Mỹ ra đứng đuổi
chim ngoài ruộng ông Ba Rạch Đùng – một thằng một con!” lập tức được đồn rùm
khắp làng chiều hôm đó. Già trẻ trai gái chạy ra rần rần như đi coi hát, ai nấy
đứng cười muốn lộn ruột “Cha cha, cái màu đỏ màu vàng này là chim nó sợ vãi cứt
luôn nghe!”... “Oa, có thằng cao bồi cỡi ngựa mang súng nữa các cha ơi!”… “Ô,
sọ người! Xương!... Ha, cú nầy tới đại bàng diều hâu cũng chạy cong đuôi, nói
chi mấy con bồ chao se sẻ nhóc nhen!... Đúng là Ba Rạch Đùng
thiệt!”…
Ông Ba Rạch Đùng bỗng chốc nổi tiếng.
Ông đi đâu, làm gì cũng được mọi người chú ý. Sáng ấy tại sân đình làng, băng
rôn cờ xí treo đỏ rực. Rai-Xơn cũng có mặt, mang máy ảnh lăng xăng cùng với tốp
lính tóc vàng mắt xanh làm nhiệm vụ hỗ trợ chính quyền địa phương lo công việc
bồi thường thiệt hại cho bà con.
Từ mờ sáng, dân làng đã đứng ngồi lố nhố
trước cổng đình. Lần lượt mỗi “nóc gia” được bồi thường hai trăm bạc với hai
chục tấm tôn lợp nhà. Ai nhận xong buộc tròn lại, xỏ cây tre, hai người gánh.
Rai-Xơn đang nhướng chân lên hốc cây si
bên góc sân đình, giơ máy nhắm toàn cảnh. Và, bỗng giật mình hạ máy xuống để
nhìn cho rõ. Đúng là lão già nóng nảy hôm nọ - lão Ba Rạch Đùng! Lão chống gậy
sai sải như người đang chống xuồng, cái đầu gậy có tra cái cát-tút đạn đại liên
kêu ràn rạt. Một tay lão vạch đám đông xấn thẳng vô. Điếu thuốc rê to tướng
ngậm trễ bên mép, phà khói xanh um, đặc quánh. Xơn bấm máy “krách, krách!” lia
lịa. Lão liệng tàn thuốc cái bịch xuống đất, bước tới trước mặt mấy tay cán bộ
xã, ấp mặt hầm hầm.
Biết rành tính khí lão, cha Bảy Trưởng
ấp ve vuốt xuề xòa:
- A hà, bác Ba mới tới! Đếm tôn lẹ cho
bác, tụi bây! Có cháu chắt gì theo gánh cho bác không? Hay là để tụi tui cho
lính của ấp gánh tới nhà cho bác luôn nhe! Bác qua bàn bên kia, lăn tay điểm
chỉ rồi lãnh tiền trước đi bác Ba!
Vẫn bản mặt chàu quạu, lão lườm xoi xói
một lượt từng cặp mắt xanh lè mà lão cho là “thủ phạm dội ca-nông” vô làng Rạch
Đùng này hồi năm ngoái!
Tự nhiên, Xơn giựt mình kéo sụp mũ xuống
nửa mặt và ôm máy đứng né lui sau vai một thằng kia “krách, krách!”.
Lão rê gậy bước qua bàn lãnh tiền, trờn
trợn, lắc lắc đầu. Bước tới đống tôn đứng tằng hắng, nhịp nhịp đầu gậy kêu kình
kình. Giọng lão gầm gừ chi đó như bửa củi một hồi, rồi hằm hằm vạch đám đông
bước ra ngoài.
Ngồi bệt vạt cỏ trước cổng đình một
mình, lão lui hui quấn điếu thuốc rê “kèn tây” ngồi phà khói cuồn cuộn như đám
cháy.
Lúc ấy thấy Rai-Xơn cứ loay hoay với máy
ảnh máy thâu, gương mặt răng vẩu ngố ngáo cười, lộ vẻ vui mừng như vừa vớ được
của! Xơn bật lại máy thâu băng, tiếng lão ồm ồm phát ra trong máy:
- ... Không! Không phải cái thứ nầy!...
Nhà tao ngói âm dương mà!... Cột săng kiềng kiềng!.. Mần tới ba đời chưa xong
lận!... Đâu phải cái đồ nầy?!…
Cả tốp mắt xanh tóc vàng đứng đực mặt,
chẳng hiểu mô tê trời đất chi! Nhưng bà con cả làng ai nấy đều nghe, cười ra
nước mắt!
Ngoài cổng đình lúc ấy thấy lão đứng lên
phủi đít, đùng đùng khua gậy bỏ về một mạch. Bóng lão như trôi với làn khói
thuốc rê xanh um cả khúc đường làng...
Về tới nhà buông mình xuống cái võng gai
giăng trước hàng ba, thọc gậy vô gốc cột tràm đưa cọt kẹt, lão nghĩ ngợi lung
tung. Chuyện giặc giã súng đạn, còn cái mạng sống là hú ba hồn bảy vía. “Người
sống hơn đống vàng!” Hôm đó cũng may lão đang bừa ngoài ruộng, chớ ở trong nhà
thì cũng banh xác, “đi bán muối” tám kiếp rồi!
Đành rằng “của đi thay người”, cả làng
cả nước chớ riêng chi mình lão. Nhưng mỗi khi nhớ tới ông già tía với ông nội
lão, lão đau lòng không chịu nổi! Cả đời “trần ai khoai củ”, chắt mót nhịn đói
nhịn khát, ông nội lão chỉ ước ao cất được ngôi nhà giống hệt ngôi nhà nơi chôn
nhau cắt rốn ngoài xứ Quảng gốc gác, tuốt tận ngoài Trung!
Hồi còn nhỏ lão nhớ, qua mỗi mùa lúa
trúng là tía lão tròng bộ bà ba đen đi chân đất, xách giỏ đệm đựng cả cục tiền
đón đò dọc lên bến Cần Thơ. Ăn chực nằm chờ có khi cả tháng trời, đón ghe bầu
chở cây gỗ ngoài Trung vô. Mỗi mùa mua được một mớ cột kèo... Tới ngày sắp kêu
được thợ về đục đẽo thì ông nội lão ngã bịnh liệt giường. Trước khi nhắm mắt
ổng trăn trối quả quyết chỉ bó chiếu với bảy nẹp tre, khỏi hòm rương chi cả. Để
dành dựng cái nhà cho tử tế mà thờ tự!
Tới đời ông già tía lão nằm xuống cũng
chỉ cái hòm ván gòn nhẹ bẫng! Vậy mà cho tới ngày lão cưới vợ mới mần nổi bộ
cửa, mới kín được cái nơi thờ phượng hương khói...
*
* *
Hơn tháng
sau.
Anh Hai Lúng đang ngồi ở trần ôm cây đờn
vọng cổ tịch tình tang trước hiên thì bất ngờ từ ngoài ngõ, ông Mỹ Rai-Xơn lừng
lững xuất hiện. Cánh tay đầy lông giơ lên với miệng đầy râu đang cười chữ ô.
Quay lại lần này chỉ có ông ta với một anh thanh niên khá bảnh trai, giới thiệu
là người phiên dịch của công ty du lịch chi đó.
Ông Xơn bước vô chấp tay cúi đầu
trước bàn thờ ông Ba, nhìn rất lâu lên tấm ảnh. Cái “tác phẩm” ông nâng niu gìn
giữ từ thời trẻ trai tới giờ sắp thành một ông già bằng tuổi ông Ba hồi đó. Và
cứ mỗi lần nhìn vào, ông lại trông chờ người trong ảnh một ánh nhìn tha thứ!
Còn với ông, từ hồi là chàng trai mặt búng ra sữa, bị đẩy qua cái xứ sở lạ lùng
này, bị sự “la mắng” của một ông già nóng nảy thẳng thắn – ông còn nhớ rất rõ,
từ cái lần đầu ở cổng hàng rào ấp chiến lược tới lần ở sân đình làng, ông đều
cúi đầu như một đứa con lầm lỗi!...
Qua giây phút xúc động, ông quay ra vịn
vai anh Hai Lúng, một tay gảy gảy vô dây đờn, ý muốn tiếp tục nghe lại tiếng
đờn vọng cổ ông ta từng mê mẩn năm xưa...
Vừa dứt bản đờn, ông loay hoay lôi trong
cặp ra - lần này cũng một xấp hình màu cỡ lớn!... Vừa bập bẹ tiếng Việt ý được
ý mất cùng với lời phụ họa của anh chàng phiên dịch, ông trình bày ý định của
mình với anh Hai Lúng. Hóa ra cả tháng nay, ông ta mang máy ảnh lặn lội khắp
nơi, không phải gặp thứ gì cũng chụp như ngày trước mà chủ yếu là... những ngôi
nhà gỗ xưa ở các miền quê!... Đặc biệt là những ngôi nhà có ý định muốn bán.
Bày ra hết các tấm ảnh trước mặt anh Hai
Lúng, ý muốn anh Hai chọn ra ngôi nhà nào giống nhà mình ngày trước nhất!...
Còn lại là việc thực hiện của ông Rai-Xơn trong nay mai...
Trại viết VNQĐ - Đồng Nai, tháng 5/2014
D.Đ.K
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét