Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

NGHIÊN CỨU - PHÊ BÌNH - VẤN ĐỀ VĂN HỌC (3)

Sách hay lạc đường

TƯỜNG VY

Giải thưởng Sách hay 2014 vừa được trao, là một trong những giải thưởng sách trong nước còn hiếm hoi được bạn đọc quan tâm chú ý. Thế nhưng, dù chỉ mới trải qua 4 lần trao giải nhưng giải thưởng này đang nhận được cái nhìn nghi ngờ nhiều hơn là niềm tin của bạn đọc.

“Ăn mày dĩ vãng”
Giải thưởng Sách hay ra mắt lần đầu tiên vào năm 2011, thời kỳ được coi là khủng hoảng của các giải thưởng sách trong nước. Có giải ở tầm quốc gia bị nghi ngờ chia nhau giải thưởng đến mức mà ngay cả chủ tịch của chính tổ chức trao giải cũng từ chối nhận giải. Giải ở địa phương thì bị kiện tụng là thiếu trách nhiệm, tùy hứng hay thậm chí là bè phái… Trong bối cảnh đó, những người sáng lập giải thưởng Sách hay mong muốn giải của mình không mắc phải các vấn đề của những giải thưởng khác và trở thành một giải thưởng tiêu chuẩn nhất cho sách ở Việt Nam. 
Thực tế, thời điểm ra mắt, có thể nói Sách hay là giải có thể lệ nghiêm khắc nhất như cấm trao giải cho tác phẩm có liên quan đến thành viên hội đồng xét giải dưới bất kỳ hình thức nào, tác phẩm được trao giải phải nhận được đồng thuận 100% chứ không quá bán như ở các giải khác… Thế nhưng, không ai ngờ rằng chính sự nghiêm khắc này lại góp phần không nhỏ khiến giải mất điểm trong lòng bạn đọc. 
Vậy tác phẩm văn học nào có thể dễ nhận được 100% chuyên gia tán đồng? Câu trả lời khá đơn giản, tác phẩm đã được cả thế giới công nhận là hay! Thế là ở lần trao giải đầu tiên, Hoàng tử bé của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry (bản dịch của Bùi Giáng) đoạt giải Sách hay! Trưởng ban giám khảo khi đó đã cho biết, trao giải như vậy để giúp bạn đọc biết rằng đó là một tác phẩm hay, nên đọc.
Một nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam khi nghe tin này đã sửng sốt: “Chẳng lẽ cần phải có cái giải Sách hay đó thì người đọc mới biết Hoàng tử bé sao?”. Thế nhưng mọi việc không dừng lại, tại lần trao giải thứ 2 (2012), giải Sách hay tiếp tục trao cho Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez, và đến 2014 là Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger.

Không chỉ sách dịch, mảng sách trong nước cũng đi theo con đường trên, có cần phải khẳng định thêm lần nữa những Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần)… là sách hay hay không khi chúng đã đoạt không ít giải thưởng cả trong và ngoài nước?
Không phải ngẫu nhiên sau lần trao giải thứ 2, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đã cho rằng câu slogan ngầm của giải “Khắt khe tạo nên danh giá” nên đổi thành “Ăn mày dĩ vãng” (tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai) thì phù hợp hơn. Có người còn cho rằng thay vì phải lập hội đồng xét giải đầy vất vả thì cách nhanh nhất là cứ lấy các tác phẩm từng đoạt giải Nobel ra lần lượt trao giải!

Bài học của Văn học tuổi 20
Sau 4 lần trao giải, giải Sách hay đang đi vào bước xe đổ của các giải thưởng sách khác. Đầu tiên đó là giải không thể định hướng được mục tiêu của mình. Nói giúp bạn đọc “gạn đục khơi trong” thì vì sao những tác phẩm đoạt giải Nobel, Goncourt… lại có mặt trong danh sách? 
Một vấn đề nữa là giải bắt đầu nảy sinh những nghi vấn “lợi ích nhóm” trong việc trao giải. Nghi vấn này không phải không có căn cứ khi NXB Tri Thức có khá nhiều tác phẩm được lọt vào chung khảo và có đến 3 tác phẩm được trao giải trong khi giám đốc NXB này cũng chính là thành viên hội đồng xét giải.
Bên cạnh đó, nhiều cuốn sách được đề cử cũng gây ngờ vực như cuốn Tinh thần khai minh - Diễn từ nhận Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh từ 2007 đến 2011 (nhiều tác giả). Thực tế đây không thể coi là tác phẩm mà chỉ là tập hợp các bài phát biểu, tuy nhiên vấn đề ở chỗ có rất nhiều thành viên, người đoạt giải Phan Châu Trinh cũng là thành viên hội đồng xét giải Sách hay!
Chỉ vài tuần trước khi giải Sách hay được công bố là cuộc trao giải Văn học tuổi 20. Bắt đầu chỉ một cuộc vận động sáng tác cho giới trẻ mang tính phong trào thế nhưng đến nay Văn học tuổi 20 đã thực sự trở thành một giải thưởng văn học dành cho giới trẻ lớn và uy tín nhất hiện nay. Điều làm nên thành công của giải này chính là sự việc luôn định hướng đúng đối tượng cũng như mục tiêu của mình.
Thậm chí, giải vừa qua, để tránh tình trạng bị ảnh hưởng vào các đánh giá của ban giám khảo, giải còn chủ động để NXB Trẻ tùy ý lựa chọn bản thảo gửi về dự thi để in thành sách theo quan điểm thị trường của riêng NXB. Chính điều này đã khiến bạn đọc trẻ, tác giả trẻ những đối tượng chính của giải chú ý, quan tâm và góp phần giúp giải đạt thành công.

Giải thưởng Sách hay là một nỗ lực đầy tâm huyết với mong muốn đem đến cho bạn đọc Việt Nam những cuốn sách hay, có giá trị cao. Thế nhưng, có vẻ đúng như những gì mà diễn giả Giản Tư Trung nhận xét về giáo dục Việt Nam trong phần trao giải sách về giáo dục: “Giáo dục Việt Nam hoàn toàn không lạc hậu, mà chỉ là lạc đường mà thôi...”. Có thể nói rằng giải Sách hay hoàn toàn rất cần thiết, chỉ tiếc là giải lại đang lạc đường mà thôi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét