Trang Thế Hy giữa đắng và ngọt
Hà Đình Nguyên
Người viết
đã từng được gặp nhà văn Trang Thế Hy vài lần ở đám giỗ nhà văn Sơn Nam (Tiền Giang) hoặc ở tư gia của ông
(Bến Tre), có cảm giác nhà văn rất kiệm lời.
Nhà
văn biết cách im lặng
Những lần gặp ông trong đám giỗ nhà văn
Sơn Nam, tôi thường thấy chú Tư Sâm (tức nhà văn Trang Thế Hy) ngồi cùng bàn
với nhà thơ Kiên Giang và “anh Năm” Nguyễn Quang Sáng. Anh Năm thua chú Tư Sâm
gần 10 tuổi cộng với ngoại hình thấp đậm, da dẻ hồng hào nên trông có vẻ tráng
kiện hơn. Chú Tư thân hình gầy đét, đi đứng phải có người dìu… Vậy mà, anh Năm
“đi” trước…
Sau nhiều ngày tháng chuẩn bị, NXB Trẻ
tình cờ chọn ngày 20.7.2014 để làm lễ “ký kết tác quyền trọn đời” với nhà văn
Trang Thế Hy (90 tuổi). Khi chúng tôi cùng đoàn của NXB Trẻ đến tư gia của ông
(khu phố 1, P.Phú Tân, TP.Bến Tre) thì đã thấy họa sĩ Lê Triều Điển và vợ ông
(nhà thơ - họa sĩ Phạm Thị Quý), các nhà thơ: Ý Nhi, Trần Hữu Dũng, Lynh
Bacardi, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Tiến Văn, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, họa
sĩ Vũ Hà Nam… đang quây quần ở đó. Lại nghe nhà văn Cao Xuân Sơn đang cùng đoàn
NXB Kim Đồng trên đường xuống đây. Sao cụ già 90 tuổi này có sức hấp dẫn đến
vậy?
Nhớ hôm gặp ông Tư Sâm lần trước, ông
ngồi bần thần nhìn ra vuông sân nhỏ, nơi có những con chim sẻ vụt sà xuống,
nhảy nhót rồi bay đi. Ông nói: “Nhiều khi mơ ước được như mấy con chim nhỏ bé
kia, mà cũng không được…”. Nghe ông nói mà cám cảnh, hiểu được thế nào là giai
đoạn “lực bất tòng tâm”. Vậy mà, sáng ngày 20.7 ấy, ông rất vui, chuyện vãn rất
sôi nổi, và… đọc thơ tiếng Pháp ro ro. Một đồng nghiệp hỏi (để thử) chú có quan
tâm đến những tài năng văn học hiện nay. Ông trầm ngâm giây lát rồi nói: “Gần
đây có Nguyễn Ngọc Tư gọi tóc là “những sợi máu khô”, tôi cho đó là tài
năng...”. Rồi ông đọc thơ của Bùi Giáng (sợ chúng tôi ghi không kịp, ông đọc
chậm và nhắc chừng “xuống hàng”): “Con chim thì ta biết nó bay (xuống hàng).
Con cá thì ta biết nó lội (xuống hàng). Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ
(xuống hàng). Còn thơ là gì, ấy là điều ta không biết!”. Ông Tư Sâm còn trích dẫn
câu danh ngôn (của một vị thánh Hồi giáo): “Con người chỉ mất hai năm để học
nói nhưng phải mất đến hơn sáu mươi năm để học cách im lặng”, và giải thích
thêm: “Học cách im lặng không phải là suốt đời im lặng. Học cách im lặng là để
biết khi nào không thể im lặng”. Quả là một nhà văn rất kiệm lời của những lần
gặp trước tan vèo đâu mất, trước mặt tôi bây giờ là một nhà hiền triết với
những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời.
Từ Đắng
và ngọt đến Quán
bên đường
Trước năm 1975, chúng tôi thường nghêu
ngao một ca khúc phổ từ thơ khá nổi tiếng là bài Quán bên đường của Phạm Duy. Bài hát nhanh chóng phổ
biến bởi có những ca từ rất lạ, rất bình dân: “Ngày xưa... ngày xửa... ngày
xưa. Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe màu tơ. Hai đứa mình còn trẻ thơ. Rủ nhau
ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ... Em cầm một củ khoai, ghé răng cạp vỏ rơi, xong
rồi mình chia đôi. Khoai sùng này lượm mót, sao ngọt lại ngọt ghê!... Nhà em
phải chăng là đây? Dè đâu chẳng may là quán. Em bẹo hình hài đem bán... Rồi em
hỏi anh: làm chi? Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì? Đời thối phải nói là thơm.
Ngòi bút là chiếc cần câu nồi cơm. Em hỏi nghệ thuật là chi? Là đui, là điếc,
là câm mà đi...”.
Phần nhạc thì đã có tác giả rõ ràng
nhưng tác giả của phần thơ lại ghi là “khuyết danh”. Sau này, có nhiều người xì
xầm rằng tác giả bài thơ là nhà văn Bình Nguyên Lộc, người khác bảo của Minh
Phẩm, lại có nhiều ý kiến cho rằng của Trang Thế Hy. Tuy nhiên, sau khi thẩm
định lại từ các nguồn tư liệu, giờ đây có thể khẳng định đó là bài thơ Đắng và ngọt của tác giả Minh Phẩm. Trong sự nghiệp
60 năm sáng tác của mình, Trang Thế Hy đã sử dụng gần 10 bút danh, trong đó có
những bút danh chỉ dùng một lần, như trường hợp bút danh Song Diệp ở bài thơ Thanh gươm tháng Tám và Minh Phẩm ở bài thơ Đắng và ngọt.
Về bài thơ sau, tác giả bộc bạch: “Tháng
9.1959, người chủ biên tuần báo Vui sống (Sài Gòn), nhà văn Bình Nguyên Lộc,
khi duyệt bài vở cho tờ báo số 9, đã góp ý với cộng tác viên Minh Phẩm - người
nộp bài thơ Đắng và ngọt,
rằng cái vị của cuộc đời này nó đa dạng và phức hợp lắm chứ không đơn giản như
sự nhu hiền đồng thuận tạo hài hòa hay ngạo mạn đương đầu gây đối nghịch giữa
hai cái vị đắng và ngọt”. Vậy rồi, Bình Nguyên Lộc sửa cái tựa từ Đắng và ngọt thành Cuộc đời. Sau đó,
Bình Nguyên Lộc lại trao bài thơ cho Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Quán bên đường. Lúc này Trang Thế Hy
(Minh Phẩm) đã vào vùng kháng chiến, Phạm Duy sợ bản nhạc bị kiểm duyệt, không
cho phát hành nên để tên tác giả thơ là “khuyết danh”. Tuy nhiên, hiện nay ở
một số trang mạng chuyên về ca nhạc, có nơi vẫn để Quán bên đường, nhạc Phạm
Duy, thơ Bình Nguyên Lộc…
Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924 tại Hữu
Định, Châu Thành (Bến Tre). Ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau 1954,
ông ở lại
Ông từng bị chính quyền VNCH bắt giam năm 1962, sau đó ông thoát
ly vào vùng kháng chiến... Cuộc đời dịch chuyển như vậy nên tác phẩm của ông
bị thất thoát khá nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ của gia đình thì ông có
khoảng 65 truyện ngắn, khoảng 20 bài thơ và 2 tiểu thuyết (Hoa tình chỉ nở một lần, Nét
buồn bạc mệnh).
NXB Trẻ đã và đang nỗ lực tiến hành tìm kiếm các bản thảo của
ông, sắp tới sẽ giới thiệu 5 tập sách, 35 tác phẩm của ông (dưới dạng sách
điện tử, sách in giấy). Dự kiến vào tháng 10.2014 (nhân sinh nhật 90 tuổi của
ông) sẽ phát hành đợt sách (giấy) đầu tiên gồm những tác phẩm đặc sắc của
ông: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Anh
Thơm râu rồng (Giải
thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam 1960 -
1965), Mưa ấm (tập truyện ngắn 1981), Người
yêu và mùa thu(1981), Vết thương thứ mười ba (tập truyện 1989), Tiếng
khóc và tiếng hát (tặng
thưởng của Hội Nhà văn VN 1994), Nợ nước mắt (tập truyện ngắn - tặng thưởng loại
A của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, 2001)...
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét