Siêu “đạo” thơ thời nay!
NguyỄn
ThỊ Mai
Vừa rồi tôi nhận được tập thơ của một bạn đọc gửi tặng. Điều đáng nói là người gửi tặng không phải là tác giả tập thơ, cũng không hề quen biết tác giả tập thơ ấy. Lý do anh gửi tặng là vì đã phát hiện ra một bài thơ trong tập thơ đó giống gần nguyên xi một bài thơ của tôi. Đó là tập thơ “Nỗi niềm” của tác giả Vương Chất, do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2014. Tôi vội vàng tìm bài thơ giống bài thơ của mình ra đọc và kinh ngạc về sự liều lĩnh của tác giả vô cùng. Sau đây xin đặt hai bài thơ bên cạnh nhau để bạn đọc tiện so sánh:
Thăm nhà Nguyễn Bính
Nhà ông, ngỡ đến đây rồi
Căn nhà có dậu mồng tơi xanh rờn
Có con bướm trắng cô đơn
Bay từ hàng xóm sang vườn hoa chanh
Nhưng về…nào thấy dâu xanh
Ba gian nhà trống vắng tanh bóng người
Tơ vàng hàng xóm không phơi
Mong manh cánh bướm một thời,
giờ đâu?
Vườn nhà đã đốn hàng dâu
Vuông hai thước đất thẳm sâu nỗi niềm
Hương trầm ngàn ngạt cõi thiêng
Gieo câu lục bát xô nghiêng phận đời
Tầm tầm trời cũng mưa rơi
Run run con khấn gọi người thiên thu
Một mai khuất nẻo sa mù
Xin thương ngọn bút phù du dãi dầu.
Tưởng về than thở được lâu
Ai hay chỉ dập miếng trầu, em đi.
Nguyễn Thị Mai
(VNQĐ, 2 – 2003)
Thăm nhà
Nhà ta đã đến đây rồi
Ba gian ngói sẫm, sân phơi nắng vàng
Có con bướm trắng lạc đàn
Bay từ hàng xóm sang vườn hoa chanh,
Ta về thăm lại vườn xanh
Trong nhà lạnh lẽo, vắng tanh
bóng người
Sân dài chẳng có ai phơi
Đung đưa cánh võng một thời giờ đâu?
Vườn nhà đã vắng hàng dâu
Cảnh quê đã khác, thẳm sâu nỗi niềm
Nhà thờ tĩnh mịch cõi thiên
Gieo câu lục bát xô nghiêng mây trời.
Tầm tâm lác đác mưa rơi
Run run tôi khấn gọi người thiên thu
Một mai khất nẻo xa mù
Xin thương ngọn gió phù du dãi dầu.
Tưởng về quê mẹ được lâu
Nhưng đành phải hẹn dịp sau lại về.
Tháng 7 năm 2003
Vương Chất
(Rút trong tập thơ Nỗi Niềm, Nxb Văn học 2014)
Rỗi rãi tôi đọc kỹ tập thơ “Nỗi niềm ” hơn một trăm bài và nhận ra một điều hiếm thấy ở bất kỳ một tập thơ nào: Đó là bên cạnh những bài thơ dở đến mức hình như tác giả không hề biết làm thơ (như không biết gieo vần lục bát) lại có những bài thật hay, hay đến mức bạn đọc phải nghi ngờ. Từ nghi ngờ đó tôi lần tìm và phát hiện ra: ngay trong quyển VNQĐ số 2 năm 2003, ông Vương Chất không chỉ “hô biến” bài thơ “Thăm nhà Nguyễn Bính” của tôi thành bài “Thăm nhà” của ông, mà còn lái bài “Nét quê” của Hải Từ thành bài “Tiếng quê” của ông. Lại xin đặt hai bài bên nhau sau đây:
Nét quê
Kính dâng vong linh Cha mẹ
Khúc I
Tháng Năm lần lữa tháng MườI
Mùa đi bạc tóc quê người gió sương
Giao thừa nhang khói nhớ thương
Rưng rưng tìm hướng quê hương khấn về.
Khúc II
Mười năm gần phố, xa làng
Buồn vui lòng vẫn mơ màng trúc tre
Mừng nghe chim hót trước hè
Mở tung cửa đón tiếng quê vào nhà!
Khúc III
Ai mua hoa bưởi không nào
Thoảng lời rao phố đã ngào ngạt xuân
Giữa huyên náo bỗng bần thần
Thương quê ở phía trắng ngần hoa rơi!
Hải Từ
(VNQĐ, 2- 2003)
Tiếng quê
I
Tháng Năm lần lữa tháng Mười
Mùa đi bạc tóc quê người gió sương
Giao thừa nhang khói nhớ thương
Rưng rưng nhằm hướng quê hương khấn về.
II
Bao năm ở phố xa làng
Buồn vui lòng vẫn mơ màng trúc tre
Mừng nghe gà gáy canh khuya
Mở tung cửa đón tiếng quê vào nhà.
III
“Ai mua bưởi cúng không nào”
Thoảng lời rao phố đã ngao ngạt xuân
Giữa huyên náo bỗng bần thần
Thương quê – đỗ ván trắng ngần hoa rơi.
Hà Nội, tết xa quê 2001
Vương Chất
(Rút trong tập thơ Nỗi niềm, Nxb Văn học, 2014)
Điều khôi hài hơn nữa là chính bài thơ Tiếng quê này, Vương Chất đã đặt vị trí đầu tiên trong tập thơ Nỗi niềm.
Chưa dừng lại ở đây, tôi còn phát hiện ra bài thơ “Em gái tôi” của Vương Chất, chính là bài “Dì tôi” của Nguyễn Hữu Hà. Mời Bạn đọc phán xét tiếp
Dì tôi
Quê mùa mộc mạc thế thôi
Dì về đám cưới con tôi lấy chồng
Không đi thì chẳng đành lòng
Đi mà vẫn ngại nâu sồng khó coi
Xiêu xiêu tải gạo bên người
Vẫn là dáng của mẹ tôi ngày nào
Thảm êm bước thấp bước cao
Bàn chân mới khỏa nước ao lên bờ
Vuông khăn tần tảo từ xưa
Hết bà đến mẹ bây giờ dì mang
Bàn thờ run rẩy khói nhang
Hình như tiếng mẹ sẽ sàng gọi tôi
Xin đừng buồn thế dì ơi
Ngày vui sao nước mắt rơi nghẹn lòng.
Hà Nội, 18-19-1999
Nguyễn Hữu Hà
(Tạp chí VNQĐ, 1-2002)
Em gái tôi
Quê nhà mộc mạc thế thôi
Em ra đám cưới con tôi lần đầu
Dặn con, mẹ chẳng ở lâu
Không đi trong dạ nao nao tấc lòng
Đi mà vẫn ngại nâu sồng khó coi.
Vẫn mang túi xách bên người
Vẫn đây dáng của mẹ tôi ngày nào
Thảm êm chân thấp chân cao
Bước đi như thể dưới ao lên bờ.
Khăn vuông vẫn mảnh khăn xưa
Ngày nào mẹ đội bây giờ em mang
Bàn thờ run rẩy khói nhang
Hình như tiếng mẹ sẽ sàng gọi tôi.
Xin đường buồn thế em ơi
Ngày vui sao nước mắt rơi nghẹn lòng.
Hà Nội, 1995
Tháng 12 Giáp Tuất
Vương Chất
Đến đây thì bạn đọc miễn bình luận, vì mỗi chúng ta đều đã thấy được sự ăn cắp trắng trợn của người mang danh là tác giả tập thơ “Nỗi niềm”. Nếu có thời gian xem xét kỹ, có khi ngoài ba bài thơ trên, tôi còn có thể phát hiện ra vài “tác phẩm ăn cắp” nữa của tác giả tập thơ này.
Làm thơ hay là điều rất quý, nhưng không biết làm thơ cũng không hề coi là xấu vì ở đời, ngoài thơ ra còn có trăm nghề khác. Chép thơ người khác, sửa đổi đi đôi chữ để làm thơ mình đã là điều không thể chấp nhận được, huống chi lại xuất bản thành sách với lời khẳng định được in ngay đầu sách: “ Tập thơ Nỗi niềm thuộc bản quyền tác giả Vương Chất và gia đình tác giả”!
Tác giả đã vậy, còn Nhà xuất bản Văn học thì chịu trách nhiệm như thế nào đối với những tác giả đã bị ăn cắp thơ và đối với đông đảo bạn đọc về sự lừa dối trắng trợn này?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét