Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

CUỘC SỐNG MUÔN MÀU (3)

Không gian kiến trúc Sài Gòn

rồi sẽ ra sao

 


Sài Gòn (TP.HCM) của những năm đầu thế kỷ 21 đã thay đổi diện mạo quá nhiều khiến chúng ta không khỏi giật mình khi nhìn lại và so sánh với những hình ảnh Sài Gòn xưa... Những ngày tháng 8.2014 này, người dân lại chộn rộn với sự kiện tuyến metro ngầm đầu tiên (có giá trị hơn 2,5 tỉ USD) chính thức xâm phạm đến con đường trung tâm nhất của thành phố... Phải chăng đây là cái giá phải trả cho sự phát triển đô thị khi không thể giữ mãi "chất" của một hình hài cũ trong sự thay đổi lớn về "lượng" của sự bùng nổ đầu tư và nhu cầu thực tế về áp lực giao thông đô thị, mà đặc biệt là ở khu trung tâm của thành phố...
Vị trí nhà ga metro hiện nay là trung tâm của trung tâm TP.HCM. Hình ảnh của không gian kiến trúc ở đây luôn gắn liền với lịch sử 300 năm hình thành và phát triển của thành phố này. Để xây dựng tuyến metro ngầm này, người ta sẽ phải dọn sạch những góc phố, những tòa nhà, những hàng cây cổ thụ lâu năm... đã ăn sâu vào tâm thức người Sài Gòn.
Con người có thể tạo ra dấu ấn của mình nơi này chốn nọ, nhưng các nơi chốn còn tác động đến con người thâm sâu gấp bội. Đó là những mảng xanh, công trình kiến trúc, hay ngay những khoảng không cũng ngấm vào những ai thường xuyên tiếp cận nó, và từ từ uốn nắn, đắp bồi nhân cách họ. Vì thế, sẽ không sai khi nói rằng không gian kiến trúc của Sài Gòn đã tạo nên đặc tính của thành phố và con người nơi đây.
Trong sự phát triển ồ ạt của đô thị ngày hôm nay, người dân TP đã chứng kiến một loạt sự thay đổi lớn diện mạo không gian kiến trúc khu trung tâm này. Những sai lầm về cấp phép xây dựng mới những công trình đầu tiên như khách sạn Caravel, Sheraton... khiến chúng trở nên lạc lõng và thô thiển trong quần thể kiến trúc cũ... Có lẽ cũng vì thế mà những công trình xây dựng sau này như tâm thương mại Vincom, tòa nhà Opera View… đã được đặt trong một sự ứng xử với cảnh quan xung quanh có phần đúng mực hơn. Người dân Sài Gòn vì thế vẫn còn thấy được sự gần gũi và chút gì đó phảng phất hình ảnh cũ của không gian Sài Gòn xưa.
Tuy nhiên, việc thương xá TAX lịch sử, cổ kính sẽ bị thay thế chóng vánh bằng một cao ốc phức hợp 40 tầng đang làm những ai đã trót quyến luyến với những gì xưa cũ của Sài Gòn dễ bị "sốc". Nếu xét trên phương diện kiến trúc đô thị cũng như chủ trương phát triển đô thị bền vững của TP.HCM, việc hình thành một tòa cao ốc đồ sộ ở vị trí này quả có nhiều bất hợp lý.

Thứ nhất: Trục đường Nguyễn Huệ là trục cảnh quan chính hướng tới mặt tiền của UBND TP, do đó tất cả các kiến trúc trên trục chính này phải cân đối và thấp so với các khối tích kiến trúc xung quanh để bảo vệ nguyên vẹn hình ảnh của công trình UBND TP (giới chuyên môn kiến trúc vẫn nhớ, trước đây trên trục chính này, sau lưng UBND TP có một cao ốc 12 tầng (màu đen theo thiết kế) nhưng sau đó phải đổi lại màu trắng để nhẹ nhàng hơn không ảnh hưởng tới background của UBND TP). Việc cho phép hiện diện một công trình cao gấp 10 lần UBND TP ngay trước trục chính này quả là khó hiểu. Hình ảnh UBND TP chắc chắn sẽ trở nên nhỏ bé tội nghiệp và chìm nghỉm dưới chân tòa nhà mới này... Câu nói "mạnh vì gạo, bạo vì tiền"... chẳng lẽ lại đúng trong trường hợp này (!?).
Thứ hai: Năm 2009, TP.HCM đã bỏ ra rất nhiều tiền của để tổ chức một cuộc thi quốc tế: "Quy hoạch khu trung tâm TP". Các tập đoàn tư vấn quy hoạch lớn của thế giới đã tham gia và TP.HCM đã trao giải nhất cho đồ án thiết kế của NIKKEN SEKKEI LTD (tập đoàn lớn và nổi tiếng về tư vấn quy hoạch của Nhật Bản) đồng thời triển khai và đưa vào thực hiện, bởi tính hữu dụng và thực tế của đồ án... Trong đồ án này đã nhấn mạnh đến việc bảo tồn và tôn tạo các không gian kiến trúc xung quanh khu trung tâm; một sự định hướng phát triển bền vững nhưng vẫn tôn trọng những giá trị cũ và không gian lịch sử... Mà cốt lõi của mọi giải pháp đó phải là hạn chế chiều cao khi cấp phép cho các công trình xây dựng mới tại khu vực trung tâm.
Vậy phải chăng vì do TP.HCM chưa có thiết kế đô thị rõ ràng (trong đó quy định rõ chiều cao tối đa cấp phép cho từng khu vực, đặc biệt là khu trung tâm)... và tại sao lại chọn (tận dụng) thời điểm phong tỏa khu trung tâm để xây mới metro rồi sẵn xóa sổ luôn và xây mới cao ốc này. Đâu là lý do để phê duyệt một dự án không thích hợp như vậy...
Nhưng thôi, tạm không bàn về sự đúng sai, đẹp xấu của việc này. Chúng ta hãy nhìn ra bên ngoài để có thể tiếp nhận nhiều bài học hữu ích từ cách ứng xử của các nước trên thế giới trong vấn đề này. Thành phố London có thể là một ví dụ rõ ràng nhất. London vốn nổi tiếng là thành phố của các công trình cổ kính lịch sử. Cách đây 50 năm, lãnh đạo thành phố đã thấy rõ nguy cơ của sự tàn phá khủng khiếp đối với không gian kiến trúc cổ kính trước sự bành trướng của trung tâm tài chính (có thể ví như ngân hàng của thế giới), nên đã cho phát triển một khu hoàn toàn mới (sát cạnh bên trung tâm cổ kính cũ) toàn công trình cao tầng và hiện đại, thỏa mãn giới đầu tư và những nhà tài phiệt lắm tiền nhiều của muốn thể hiện mình. Nhờ thế, khu trung tâm London cổ kính đã được bảo vệ.

Thiết nghĩ, khu Thủ Thiêm của TP.HCM đã được quy hoạch cũng với mục đích thực hiện khát vọng của một thành phố hiện đại nhưng vẫn muốn giữ lại cái "hồn" xưa cũ. Vậy liệu có cần thiết phải lèn thêm những "cỗ quan tài bê tông vô cảm dựng ngược" tại khu trung tâm nữa hay không?
Trả giá cho sự phát triển cũng là điều cần thiết trong các đô thị lớn hiện nay (không chỉ ở Việt Nam). Tuy nhiên, nếu cái giá quá đắt thì sẽ là món nợ rất lớn của thế hệ này đối với những thế hệ sau. Nền tảng của sự phát triển nếu không lấy cơ sở từ sự tôn trọng các giá trị lịch sử thì sự phát triển ấy chắc chắn sẽ không bền vững.
Phạm Tuấn Khanh (*)
(*) Tác giả, một kiến trúc sư tại TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét